Luật gia Nguyễn Nhung

Chuyển nhượng nhà, đất cho con chưa thành niên như thế nào?

Pháp luật quy định về việc chuyển nhượng nhà, đất cho con chưa thành niên như thế nào? Làm thế nào để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên?

1. Luật sư tư vấn Luật Dân sự

Thực tế thi hành pháp luật cho thấy tình trạng cha, mẹ trong quá trình giải quyết phân chia tài sản khi ly hôn có nguyện vọng tặng cho bất động sản thuộc quyền sử dụng chung vợ chồng cho con chưa thành niên. Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật giải quyết đối với trường hợp này hiện nay còn nhiều khó khăn, vướng mắc với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Do đó, nếu bạn đang có thắc mắc liên quan đến vấn đề tặng cho, chuyển nhượng nhà, đất cho con chưa thành niên, bạn hãy liên hệ Luật Minh Gia để chúng tôi giải đáp và hướng dẫn các phương án cụ thể.

Để được hỗ trợ, tư vấn pháp lý về các vấn đề liên quan đến giao dịch tặng cho, chuyển nhượng đất cho con chưa thành niên, bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169 để được tư vấn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tư vấn về việc tặng cho, chuyển nhượng nhà, đất cho con chưa thành niên

Nội dung tư vấn như sau: Xin chào luật sư:  Tôi xin được nhờ luật sư tư vấn dùm tôi 1 số vấn đề trong vấn đề giải quyết ly hôn ạ .Tôi năm nay 30 T nhân viên vp thu nhập hàng tháng bq 7tr/ 1 tháng . chồng tôi 32T giám đốc thu nhập bq 30t/ 1 tháng . Chúng tôi có 1 con trai 6 tuổi ạ . Gần đây chồng tôi có hành vi ngoại tình và công khai và có những hành động không văn minh trước mặt con trai tôi . Sau khi thỏa thuận tôi và chồng đã cùng đồng ý ly hôn , tôi đứng quyền nuôi con , tài sản chung gồm nhà ,đất (sổ đỏ hiện tại đang đứng tên vợ chồng tôi ) và mọi vật dụng trong nhà sẽ chuyển nhượng hết cho con trai . còn tài sản riêng của vợ chồng tôi của ai người ấy sử dụng .Vậy xin luật sư tư vấn dùm tôi con trai 6t của được hưởng mọi thừa kế tài sản chung của 2 vợ chồng tôi không . và cần làm như nào để tránh sau này chồng tôi hành vi quay lại đòi chiếm đoạt tài sản chung đã thỏa thuận nhường quyền cho con tôi đó ạ . Rất mong nhận được sự giúp đỡ của luật sư ạ. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn chị đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của chị chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

Theo quy định của pháp luật, người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên. Trong một số trường hợp, giao dịch do người chưa thành niên thực hiện phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật. Bộ luật dân sự 2015 quy định về người chưa thành niên như sau: 

"Điều 21. Người chưa thành niên

1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.”

Bộ luật dân sự 2015 quy định về đại diện theo pháp luật như sau:

"Điều 136. Đại diện theo pháp luật của cá nhân

1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.

3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự".

Như vậy, để có thể tặng cho quyền sử dụng đất cho con trai chị thì con trai chị cần có người đại diện theo pháp luật. Theo pháp luật, vợ chồng anh chị đều có thể là người đại diện theo pháp luật của con. Tuy nhiên, hại vơ chồng anh chị không thể tham gia một giao dịch dân sự với nhiều tư cách pháp lý: vừa là bên tặng cho, vừa là người đại diện cho bên nhận tặng cho, bởi theo quy định tại Khoản 3 Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015, người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó.

Theo thông tin anh chị cung cấp thì cả 2 vợ chồng chị là người đứng tên trên sổ đỏ nhà, đất, vậy chị nên tìm một người có đủ tư cách pháp lý để đại diện cho con theo quy định của pháp luật. Người đại diện theo pháp luật của con chị lúc này được xác định là người giám hộ của con. Nếu không xác định được người giám hộ trong những người quy định tại Điều 52 Bộ luật dân sự 2015 dưới đây thì Tòa án sẽ chỉ định người giám hộ.

“Điều 52. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên

1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.

2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.

3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.”

Khi đã tìm được người đại diện hợp pháp cho con chị, chị có thể chuyển nhượng tài sản chung cho con thông qua hợp đồng tặng cho tài sản. Hợp đồng tặng cho hợp pháp là cơ sở pháp lý để chị bảo vệ quyền lợi cho con nếu sau này có phát sinh tranh chấp.

Với tài sản chung là những vật dụng trong gia đình chị chỉ cần lập hợp đồng tặng cho thông thường có chữ ký của bên tặng cho là cả hai vợ chồng và người giám hộ của bên nhận. Với tài sản là nhà và đất hợp đồng tặng cho phải có công chứng hoặc chứng thực tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc tặng cho nhà, đất phải đáp ứng các điều kiện luật định như căn nhà tặng cho không có tranh chấp, không đang bị kê biên để đảm bảo thi hành án và đã có giấy chứng nhận đối với quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, đồng thời cả hai vợ chồng chị phải đồng ý ký tên trong văn bản hay hợp đồng tặng cho.

Đối với người dưới 16 tuổi vẫn có thể được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, nhưng kèm theo đó phải có tên của người đại diện hoặc người giám hộ; hoặc người đại diện hay người giám hộ sẽ đứng tên và trong giấy chứng nhận sẽ ghi rõ là đại diện cho người chưa thành niên.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo