Nông Bá Khu

Chuyển hướng không quan sát gây tai nạn bị xử lý thế nào?

Mỗi người khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải có đủ điều kiện có giấy tờ hợp pháp, đã được cấp giấy phép lái xe. Quá trình thi bằng lái xe đều phải vượt qua kiểm tra về quy định giao thông đường bộ. Từ đó, để bảo đảm người tham gia giao thông chấp hành đúng quy định về luật giao thông. Tuy nhiên, một số người do chủ quan có hành vi vi phạm quy định an toàn giao thông thì sẽ bị xử phạt như thế nào? Xe chuyển hướng không quan sát gây tai nạn chết người có bị phạt tù không?

Câu hỏi đề nghị tư vấn:

Em đi đường quốc lộ 1a có giải phân cách cứng. Đường có 3 làn đường 2 có 2 làn vạch kẻ đường đứt và 1 làn vạch kẻ liền bên phải trong cùng. Khi đến đoạn đường không cấm quay đầu em cho xe chuyển hướng rẽ trái khi đầu xe ô tô tải em vào đến làn xe thô sơ thì có xe máy chạy tốc độ cao đâm vào xe em và tử vong ngay 1 tuần sau đó. Cho em hỏi công an nói lỗi chính là do em vì xe máy đi trong làn đường xe cơ giới là làn ưu tiên nhưng em qua đường có tín hiệu và khi em nhìn thấy xe máy lao đến thì em cũng không thể làm gì. Cho em hỏi nếu em đền bù cho người bị nạn liệu em có bị đi tù không nếu khi tòa xử. Em cảm ơn!

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi tư vấn cụ thể như sau:

Thứ nhất, xác định hành vi vi phạm quy định an toàn giao thông đường bộ

Trước tiên, cần phải xác định người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có vi phạm luật giao thông đường bộ hay không? Yếu tố lỗi thuộc về bên nào khi tham gia giao thông. Cơ quan điều tra xác định lỗi thuộc về bên nào thông qua chứng cứ như điều tra hiện trường, video quay lại, lời khai nhân chứng,… Qua đó xác định được bên nào có hành vi vi phạm quy định luật giao thông dẫn đến tai nạn và thiệt hại. 

Nếu trường hợp bạn đi đúng làn đường, khi chuyển làn có đèn tín hiểu, tốc độ trong cho phép và quan sát trước tình hình không có hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ thì tai nạn xảy ra không phải lỗi của bạn. Tai nạn xảy ra do lỗi người khác đi quá tốc độ và đâm vào bạn. Như vậy, khi không có hành vi vi phạm, không có lỗi thì việc xử phạt bạn không có căn cứ. Nhưng bạn có thể sẽ chịu nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật dân sự về thiệt hại đã xảy ra trên thực tế.

Nếu trường hợp bên kia đi đúng tốc độ, không vi phạm quy định an toàn giao thông nhưng bạn chuyển làn tốc độ nhanh, tín hiệu bật không đúng quy định, sang làn xe khác không quan sát trước khiến phương tiên không kịp xử lý dẫn đến tại nạn xảy ra thì có thể xác định là lỗi của bạn. Đối với hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ thì xem xét hậu quả thiệt hại xảy ra để xác định có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Hậu quả nhẹ sẽ chỉ chịu xử phạt hành chính nhưng nếu hậu quả nghiêm trọng có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ hai, trách nhiệm pháp lý khi gây tai nạn làm chết người

Trong trường hợp là do lỗi hoàn toàn của bạn gây ra: Tại Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;”

Như vậy, nếu nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông và gây hậu quả chết người được xác định là lỗi của bạn thì có thể bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Do đó, bạn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 

Ngoài trách nhiệm hình sự, bạn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự 2015 như sau: 

Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Về mức bồi thường hai bên có quyền thỏa thuận dựa trên những thiệt hại đã có, trường hợp các bên không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án quyết định mức bồi thường. 

Trường hợp, không phải lỗi của bạn gây ra hoặc do lỗi hỗn hợp của cả hai bên thì căn cứ trên mức độ lỗi của cả hai bên và mức độ thiệt hại để xác định trách nhiệm của mỗi bên. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169