Chồng mất nhưng cùng đứng tên sổ đỏ với em trai thì vợ người chết có được hưởng?
Tôi có 2 câu hỏi muốn hội luật gia Tư vấn:
1/ Cha Mẹ ruột tôi có mua một mảnh đất và cho 2 Anh Em tôi đứng tên, vậy khi Anh Hai tôi mất thì tài sản nầy có chia cho Vợ Anh Hai tôi không?
2/ Phần đất nầy là Cha Mẹ ruột cho 2 Anh em vậy muốn giao kết trong vay vốn tại sao cán bộ ngân hàng cần phải có chữ ký của VỢ Anh Hai tôi, vậy Cán Bộ Ngân Hàng Này là đúng hay sai?
Mong Hội luật gia giải đáp những mong mõi của tôi.Chân thành cảm ơn !
Trả lời tư vấn: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh gia chúng tôi, vấn đề anh đưa ra chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, quyền chia tài sản của vợ khi chồng mất
Thông tin anh đưa ra không nêu rõ anh trai anh mất có để lại di chúc hay không. Ngoài ra, bố mẹ anh mất để lại đất sang tên cho 2 anh em nên đất này được coi là tài sản riêng của 2 anh em. Do đó chúng tôi chia trường hợp như sau:
Trường hợp 1: anh trai mất để lại di chúc
Căn cứ Điều 626 và Điều 659 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
"Điều 626. Quyền của người lập di chúc
Người lập di chúc có quyền sau đây:
1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản."
"Điều 659. Phân chia di sản theo di chúc
1. Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản."
Do đó trong trường hợp 1, nếu trong di chúc anh trai có nội dung để lại một phần di sản đất mà hai anh em cùng đứng tên cho người vợ hoặc cho bất kỳ ai thì đương nhiên người thừa kế sẽ được hưởng phần di sản do người chết để lại.
Trường hợp 2: anh trai mất không để lại di chúc
Căn cứ Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
"Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
...
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản."
Trong trường hợp 2, anh trai mất không để lại di chúc thì di sản sẽ được chia theo pháp luật và vợ của anh trai anh sẽ là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó vợ của anh trai là một trong số những người thừa kế được thừa hưởng di sản mà anh trai mất để lại.
Thứ hai, giao dịch dân sự khi một bên chết
Căn cứ Điều 212 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
"Điều 212. Sở hữu chung của các thành viên gia đình
1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này."
Trong trường hợp của anh, do mảnh đất là sở hữu chung của 2 anh em nên anh trai mất dù có hay không để lại di chúc thì khi thực hiện bất cứ một giao dịch dân sự nào liên quan đến đất anh cần phải có sự đồng ý của người thừa kế di sản của anh trai anh.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Thị Hằng Nga - Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất