Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Chồng có nghĩa vụ phải thanh toán nợ cho vợ không?

Luật sư tư vấn về việc nợ chung của vợ chồng. Vợ vay nợ nhưng không có khả năng thanh toán thì chồng có nghĩa vụ phải thanh toán hay không? Văn bản pháp luật quy định chi tiết về vấn đề như sau:

Câu hỏi: Em xin chào Luật sư. Em  muốn hỏi Luật sư, e cho bạn em vay tiền số tiền là 800 triệu đồng, chỉ viết giấy vay không thế chấp tài sản gì ghi lãi suất là 2% /tháng không hẹn ngày trả. Giờ bạn em bị vỡ nợ em đòi thì bạn ấy bảo bao giờ có thì trả mà biết đến bao giờ bạn ấy mới trả được. Giờ e muốn đưa ra tòa liệu em có đòi được tiền không? Em cho vay chỉ bạn ấy kí tên chồng bạn ấy không kí tên. Và em gọi điện cho chồng thì anh ấy bảo là anh ấy không biết đây là chuyện của 2 người. Vậy e hỏi Luật sư em nên làm cách nào thì tốt nhất.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, việc hai bạn đã viết giấy vay tiền chính là một hình thức giao kết hợp đồng bằng văn bản, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự về hợp đồng vay tài sản.

Pháp luật không quy định khi giao kết hợp đồng dân sự là hợp đồng vay tài sản phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Nên người bạn của bạn có quyền tự mình lập và ký hợp đồng vay tiền với bạn mà không cần có sự đồng ý của chồng chị đó.

Theo Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

“Điều 27. Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng

1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.

2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này.”.

Trường hợp này bạn có quyền yêu cầu cả chồng chị bạn thực hiện nghĩa vụ liên đới của hai vợ chồng. Và đương nhiên hợp đồng của bạn vẫn có giá trị pháp lý khi ra tòa, và làm căn cứ để chứng minh nghĩa vụ của người bạn đó đối với bạn - là nghĩa vụ trả nợ theo Điều 466 Bộ luật dân sự 2015.

Thứ hai, tại Khoản 2 Điều 469 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn:

“2. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.”.

Theo quy định trên thì bạn có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý. Việc báo trước một thời gian hợp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bên trong quá trình chuẩn bị các điều kiện để trả nợ. Pháp luật không quy định thời gian thông báo hợp lý là bao nhiêu ngày mà thời gian này phụ thuộc vào từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng khoản vay và người vay cụ thể.

Bạn có thể khởi kiện ra Tòa yêu cầu người vay trả tiền, tuy nhiên với lãi suất 2%/tháng đã vượt lãi suất cho vay theo quy định của Bộ luật dân sự.

Căn cứ tại Khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.”.

Theo đó, mức lãi suất một tháng được xác định là: 1,67%/tháng. Bạn cho vay 2%/tháng như vậy là đã vượt quá lãi suất cho vay mà pháp luật quy định. Và khi có tranh chấp xảy ra thì Nhà nước không bảo vệ quyền lợi cho bên cho vay đối với phần lãi suất vượt quá 1,67%/tháng.

Hiện nay bạn chưa lấy được tiền gốc với tiền lãi nên bạn có thể tiến hành thủ tục khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự. Tuy nhiên, khi khởi kiện ra tòa án thì bạn chỉ được hưởng lãi suất là 20%/năm (tức 1, 67%/tháng). Đối với phần lãi suất vượt quá 1,67%/thángthì sẽ không có hiệu lực.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Chồng có nghĩa vụ phải thanh toán nợ cho vợ không?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169