Nguyễn Thu Trang

Cho vay tiền không có giấy tờ có kiện đòi được không?

Vấn đề vay tiền nhưng không trả từ lâu đã trở thành vấn đề phổ biến trong xã hội. Nhiều trường hợp người cho vay tiền trở nên lao đao, rơi vào hoàn cảnh có thể “mất trắng” số tiền cho vay nếu không có căn cứ chứng minh việc cho vay. Vậy, phải làm thế nào để có thể kiện đòi lại số tiền đã cho vay không có giấy tờ?

1. Luật sư tư vấn về vấn đề cho vay tiền

Các tranh chấp liên quan đến tài sản, đặc biệt là tranh chấp về hợp đồng vay tài sản thường kéo dài do người vay tiền thường xuyên trốn tránh, không chủ động thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Thậm chí có nhiều trường hợp lợi dụng sự tin tưởng của bên cho vay, không kí giấy tờ vay, cho vay tiền mặt,... nên không thừa nhận đã vay tiền.

Khi gặp trường hợp này cần phải giải quyết như thế nào? Pháp luật có bảo vệ những người cho vay không có giấy tờ không? Cần thu thập căn cứ nào để khởi kiện?... Nếu bạn còn thắc mắc liên quan đến những vấn đề này, bạn có thể liên hệ cho Luật Minh Gia để được Luật sư của chúng tôi hướng dẫn chi tiết!

2. Tư vấn khởi kiện với trường hợp cho vay tiền không có giấy tờ

Câu hỏi:

Gia đình em có 4 người: mẹ và 3 chị em gái (3 chị em đều cùng mẹ khác cha ). Chị gái đã có chồng đã ở riêng, em có chồng và ở riêng, em gái út còn nhỏ nên ở với mẹ. Lúc mẹ em chưa bị bệnh chị em có nhờ mẹ cắm sổ đỏ nhà vào ngân hàng là 400 triệu để làm ăn, rồi chị trả ngân hàng dần dần. Hiện nay mẹ em đã bị bệnh, mù không thấy đường, chị em thì không đóng lãi ngân hàng nên ngân hàng xuống muốn lấy nhà nên mẹ em phải bán nhà được 800 triệu. Trước lúc bán thì chị gái em có bảo khi bán nhà thì 400 triệu trong ngân hàng (chưa trả) mẹ sẽ trả và 400 triệu đó là của 2 chị em, có nghĩa là của chị 200 tr và coi như chị nợ em 200 triệu... 400 triệu còn lại thì chia cho bé út 200 triệu và mẹ để 200 triệu chữa bệnh. Hiện tại vì trước đây tin tưởng vào chị em nên em không làm giấy nợ, và bây giờ em đòi thì chị bảo không nợ và không chịu trả vì không có giấy tờ chứng minh. Nhưng mẹ em và mọi người trong gia đình có thể làm chứng. Vậy cho em hỏi là em có thể kiện để lấy lại số tiền đó được không ạ? Cảm ơn Luật Minh Gia.

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp của chị, chúng tôi có ý kiến tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.” Như vậy, đối với hợp đồng vay tiền giữa các cá nhân không bắt buộc phải giao kết bằng văn bản, các bên có thể giao kết bằng lời nói, tin nhắn, thư điện tử,... Cho nên, nếu có các chứng cứ khác chứng minh có thỏa thuận cho vay tiền nhưng người vay không trả thì có thể khởi kiện để đòi lại tiền.

Trong trường hợp của chị, số tiền 200 triệu đồng có được từ việc mẹ chị bán đất và chia cho các con và được chị gái thỏa thuận cho chị gái của chị vay để trả nợ ngân hàng. Khi có tranh chấp về vấn đề cho vay, cụ thể là chị gái của chị không chịu trả nợ, mặc dù không có giấy tờ vay nợ nhưng nếu chị có các chứng cứ khác như: ghi âm, tin nhắn, lời khai của người làm chứng,... chị có thể cung cấp kèm theo đơn khởi kiện nộp tại Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền để kiện đòi lại số tiền này.

Sau khi có Bản án/Quyết định của Tòa án, việc chị có lấy lại được số tiền 200 triệu đồng hay không và lấy được nhanh hay chậm phụ thuộc vào điều kiện thi hành án của người chị gái. Bởi vì nếu chị gái của chị không có bất kỳ tài sản nào để thi hành án thì chị cần thực hiện thủ tục đề nghị tạm hoãn thi hành án dân sự (pháp luật quy định, thời gian yêu cầu thi hành án thường là 05 năm) cho đến khi chị gái của chị có tiền, tài sản để tiếp tục yêu cầu thi hành án dân sự.

---

3. Đòi tiền đã cho vay trong trường hợp không có giấy tờ thế nào?

Câu hỏi:

Kính gửi Công ty Luật Minh Gia, Em xin nhờ Quý công ty tư vấn cho em một việc như sau: Tôi có thằng bạn thân, với lòng tin tôi đã vay ở bên ngoài với số tiền 500 triệu đồng từ tháng 4/2016.  Nhưng trong quá trình giao nhận tiền nhiều lần không có bất cứ giấy tờ gì ghi nhân việc giao nhận, gần đây do khó khăn đến đòi lại thì người đó chơi ỳ không trả, thậm trí còn định xù nợ, với số tiền trên tính đến thời điểm này là rất lớn so với 1 vùng quê ở Trà Vinh. Vì vậy em kính mong Quý công ty tư vấn cho em cách giải quyết sự việc trên. Nếu em có được tin nhắn đối thoại về việc mượn tiền của Người bạn đó thì có thể trình báo công an và khởi kiện anh ta ra pháp luật được không? Và nếu khởi kiện, trình báo thì trình tự thủ tục như thế nào? Kính mong nhận được sự tư vấn giúp đỡ của Quý công ty, Em xin chân thành cảm ơn.

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Vì bạn giữa hai bạn đã có giao dịch vay tiền, nên đây được coi là quan hệ giữa bên vay và bên cho vay tài sản, dù không có hợp đồng thể hiện bằng văn bản. Khi không có hợp đồng vay tiền giữa hai bên, sẽ rất khó khăn cho việc bạn chứng minh giữa bạn và người bạn kia có tồn tại giao dịch vay số tiền 500 triệu. Bạn có thể dùng tin nhắn văn bản như một yếu tố để chứng minh cho giao dịch này, dựa vào tính rõ ràng và nội dung cụ thể của nó mà tin nhắn này sẽ được cân nhắc để được coi là bằng chứng chứng minh cho giao dịch trên hay không.

Khi giao dịch cho vay đã được chứng minh, vấn đề của bạn có thể giải quyêt stheo trách nhiệm Dân sự hoặc trách nhiệm Hình sự:

Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:

Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Điều 360. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ

Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Do vậy, người bạn của bạn có nghĩa vụ trả đủ số tiền đã vay của bạn. Nếu quá hạn vay mà không trả hoặc trả không đủ thì bạn có thể gửi đơn kiện ra Tòa án Dân sự để yêu cầu người này thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Nếu có thiệt hại xảy ra với bạn xuất phát từ việc chậm trả tiền vay, thì người bạn này cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bạn. Đây là trách nhiệm Dân sự mà người này phải gánh chịu cho hành vi không thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bên vay.

Còn về trách nhiệm Hình sự, có thể căn cứ vào Điều 140 Bộ luật Hình sự 1999 để truy cứu trách nhiệm Hình sự với người bạn này:

Điều 140: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây: chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian  dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó"

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

Theo đó, trường hợp bạn của bạn vay số tiền 500 triệu mà có hành vi lẩn tránh, bỏ trốn để không phải trả lại số tiền đã vay thì sẽ cấu thành Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điểm a Khoản 4, Điều 140 – Bộ luật Hình sự 1999.

Bạn có thể dựa vào căn cứ này để khởi kiện và đòi lại tài sản của mình.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo