Hoài Nam

Cho vay tiền bằng chứng minh thư lấy lãi cao có vi phạm?

Hiện nay, có nhiều trường hợp cá nhân cho vay lãi suất cao với thủ tục đơn giản, chỉ cần cầm cố chứng minh thư. Vậy cho vay tiền nhận cầm cố chứng minh thư có vi phạm không? Bị xử lý thế nào theo quy định pháp luật?

1. Khái niệm về chứng minh nhân dân

Theo quy định tại Điều 1 Nghị định 05/1999/NĐ-CP của Chính phủ thì chứng minh nhân dân được định nghĩa là “một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.” Theo quy định này, chứng minh nhân dân (CMND) là một loại giấy tờ tùy thân do cơ quan Công an cấp để định danh cá nhân, không phải là một loại giấy tờ có giá (tài sản).

Hiện nay, pháp luật đã có những sự thay đổi theo hướng chuyển đổi CMND sang thẻ căn cước công dân có gắn chíp (CCCD) để thuận tiện hơn trong quá trình truy xuất và quản lý dữ liệu cá nhân. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật CCCD năm 2014, CCCD là “thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này.”

Như vậy, xét về bản chất thì CMND và thẻ CCCD đều là những giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân. Những giấy tờ này không phải là một loại tài sản.

2. Sử dụng chứng minh dân dân để vay tiền được không?

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 05/1999/NĐ-CP của Chính phủ thì nghiêm cấm việc làm giả, tẩy xóa, sửa chữa, cho thuê, cho mượn, thế chấp… CMND. Căn cứ quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật CCCD năm 2014 cũng nghiêm cấm cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ Căn cước công dân; sử dụng thẻ Căn cước công dân giả.

Theo các quy định trên thì CMND hay thẻ CCCD đều bị nghiêm cấm không được cầm cố, thế chấp để vay tiền.

Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong việc sử dụng CMND, CCCD như sau:

“Điều 10. Vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân

4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

c) Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;”

Theo quy định trên, người nào có hành vi thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố CMND, CCCD khi bị phát hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

3. Cho vay tiền bằng chứng minh thư lấy lãi cao có vi phạm?

Trước hết cần phải hiểu rõ thế nào là lãi cao theo quy định của pháp luật. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS 2015), mức lãi suất cho vay dân sự do các bên tự thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Theo đó, người cho vay với mức lãi suất vượt quá 20%/năm thì có thể xác định là lãi cao. Tuy nhiên, cần hiểu rõ “cho vay lãi cao” không đồng nghĩa với “cho vay lãi nặng”.

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP thì “Cho vay lãi nặng” là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của BLDS. Theo đó, trường hợp cho vay với mức lãi suất từ 100%/năm trở lên sẽ được xác định là cho vay lãi nặng.

Căn cứ quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS 2015) về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau:

“Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Theo quy định trên, người nào cho vay tiền mà lãi suất từ 100%/năm trở lên và thu lợi bất chính từ 30.000.000đ trở lên có thể bị khởi tố hình sự và chịu trách nhiệm hình sự về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Thu lợi bất chính được hiểu là số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất theo quy định của BLDS và các khoản thu trái pháp luật khác của người vay.

Như vậy, từ những phân tích trên có thể đưa ra kết luận như sau:

Trường hợp một, người cho vay tiền bằng CMND và lấy lãi cao nhưng chưa cấu thành tội phạm. Trường hợp này người cho vay sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi: nhận cầm cố, thế chấp CMND với mức phạt tiền từ 4.000.000 đồng – 6.000.0000 đồng (điểm c khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP); Không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của BLDS với mức phạt từ 10.000.000 đồng – 20.000.000 đồng (điểm đ khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)

Trường hợp hai, người cho vay tiền bằng CMND, lấy lãi cao và đủ yếu tố để cấu thành tội phạm. Trường hợp này, người cho vay sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi nhận cầm cố, thế chấp CMND với mức phạt tiền từ 4.000.000 đồng – 6.000.0000 đồng (điểm c khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP). Ngoài ra, người cho vay còn phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (Điều 201 BLHS 2015).

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Tư vấn nhanh