Lại Thị Nhật Lệ

Cho người khác mượn xe vi phạm giao thông ai phải nộp phạt?

Hiện nay, có rất nhiều trường hợp cá nhân cho bạn bè hoặc người thân mượn xe và gây ra tai nạn hoặc gây thiệt hại cho người khác. Vậy trong những trường hợp người không phải chủ sở hữu xe lái xe gây ra tai nạn thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại hay trách nhiệm về xử phạt vi phạm hành chính sẽ thuộc về ai trong hai bên là chủ sở hữu của chiếc xe và người điều khiển phương tiện.

Câu hỏi tư vấn:

Dạ...em cần luật sư tư vấn giúp em về trường hợp như này ạ: Vấn đề là ngày 20/8/2021 là bạn em có mượn xe của em để đi mua đồ ở tiệm tạp hoá cũng gần nhà lúc gần 6h sáng thì có bị các anh công an phường yêu cầu dừng xe để kiểm tra và bạn em đã không xuất trình được giấy tờ cần thiết và có gọi cho em để em cầm theo giấy tờ xe ra đến nơi thì các anh không làm việc và đã khống chế bạn em và đem xe của em về UBND phường...và em cũng đến UBND phường thì các anh cũng không làm việc với em về vấn đề tài sản của em là chiếc xe và yêu cầu em ra về 3 ngày sau quay lại để nhận quyết định xử phạt...về phần bạn em thì cũng được cho về sau đó nhưng cũng không có biên bản hay quyết định xử phạt gì... Như vậy luật sư cho em hỏi trong trường hợp như vậy thì em phải làm sao và tại sao em phải nhận quyết định xử phạt trong khi em không phải là người vi phạm và người vi phạm thì lại không bị xử phạt...như vậy thì em sẽ phải là người chịu quyết định vi phạm chỉ vì là tài sản của em mà trong khi em không nhận được 1 biên bản hay quyết định gì kể cả biên bản tạm giữ phương tiện của em theo luật...

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Luật Minh Gia, sau khi nghiên cứu trường hợp của bạn chúng tôi đưa ra nội dung tư vấn như sau:

Thứ nhất, về các trường hợp chủ xe có thể bị sử phạt khi cho người khác mượn xe

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 4 và Điểm l Khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô;…”

“7. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

l) Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô;

Vậy chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, xe oto, xe gắn máy,… sẽ bị xử phạt khi không làm thủ tục đăng ký sang tên khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, điều chuyển, thừa kế. Nghĩa là bạn là chủ xe sẽ chỉ bị xử phạt trong trường hợp bạn đã thực hiện chuyển nhượng quyền sở hữu của chiếc xe mà không thực hiện thủ tục sang tên xe ( để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký sang tên xe ). Trong trường hợp này, bạn chỉ cho bạn của mình mượn xe chứ không thực hiện thủ tục chuyển nhượng xe, ngoài ra bạn cũng chưa cung cấp cho chúng tôi biết về việc khi bạn của bạn điều khiển phương tiện giao thông là đang vi phạm quy định gì về điều khiển phương tiện giao thông. Nếu trường hợp lỗi vi phạm xuất phát sinh trong quá trình điều khiển phương tiện giao thông thì đối tượng bị xử phạt vi phạm sẽ là người điểu khiển phương tiện giao thông chứ không phải là chủ sở hữu xe.

Thứ hai, Công an phường có thẩm quyền giải quyết vi phạm khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông không?

Căn cứ  quy định tại Điều 6 Nghị định số 27/2010/NĐ-CP về việc huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với cảnh sát giao thông đường bộ

Điều 6. Trình tự, thủ tục huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ

1. Căn cứ các trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định tại Điều 4 Nghị định này thì người có thẩm quyền quy định tại Điều 5 Nghị định này quyết định việc huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Việc huy động phải thực hiện bằng Quyết định hoặc Kế hoạch huy động, trong đó phải nêu rõ lực lượng, số lượng cần huy động, thời gian, địa bàn huy động, trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của Cảnh sát giao thông, Cảnh sát khác và Công an xã tham gia phối hợp tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông. Khi hết thời gian huy động ghi trong Quyết định hoặc Kế hoạch huy động mà không có văn bản huy động mới của cấp có thẩm quyền thì lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã kết thúc nhiệm vụ được huy động, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ thường xuyên.

2. Khi nhận được Quyết định hoặc Kế hoạch huy động của cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 5 Nghị định này, Thủ trưởng đơn vị được huy động phải bố trí lực lượng, tổ chức triển khai việc huy động.”

Vì bạn chưa cung cấp cho chúng tôi thông tin về thời điểm công an phường thực hiện kiểm tra giấy tờ cũng như tạm giữ phương tiện thì có sự phối hợp của công an phường với công an giao thông hay không. Nếu trong trường hợp không có sự phối hợp với công an giao thông ( được thể hiện bằng Quyết định hoặc kế hoạch huy động) thì cơ quan công an xã chỉ có quyền yêu cầu dừng xe khi người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm các quy định như không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, vi phạm các quy định khi tham gia giao thông,…và mức xử phạt vi phạm không vượt quá 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và 2.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt.

Ngoài ra, về thẩm quyền trong việc tạm giữ phương tiện theo quy định tại Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 việc tạm giữ phương tiện chỉ được áp dụng trong trường hợp thật sự cần thiết khi:

- Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt;

- Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;

- Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt với hình thức phạt tiền cho đến khi cá nhân, tổ chức vi phạm nộp phạt xong.

Khi tạm giữ phương tiện, bắt buộc phải lập biên bản. Trong đó phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của phương tiện bị tạm giữ, phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, người vi phạm…

Ở đây, do những thông tin mà bạn cung cấp còn chưa đầy đủ nên chúng tôi chưa có căn cứ để khẳng định việc tạm giữ phương tiện của cơ quan công an phường là trái quy định hay không? Bạn có thể tham khảo nội dung tư vấn trên để áp dụng trong trường hợp của mình. Nếu có căn cứ hành vi của cơ quan công an phường là trái với quy định về thẩm quyền cũng như quy trình thực hiện thì bạn có thể thực hiện khiếu nại trực tiếp đến cơ quan công an phường để giải quyết.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo