Phạm Diệu

Cho người khác mượn sổ đỏ để thế chấp vay tiền có lấy lại được sổ không?

Năm 2013 tôi có cho người em ruột mượn sổ đỏ để vay tiền của quỹ tín dụng với số tiền 150 triệu.Vì làm ăn thua lỗ em tôi không có khả năng trả dứt nợ mà chỉ trả được 18 triệu. Cho đến nay quỹ tín dụng khởi kiện tôi ra Tòa án nhân dân huyện rồi chuyển bản án qua thi hành án cưỡng chế tài sản của tôi. Lúc ban đầu vay 150 triệu đã trả được 18 triệu tức còn lại 132 triệu.

 

Kính thưa luật sư. Xin tư vấn giúp. Năm 2013 tôi có cho người em ruột mượn sổ đỏ để vay tiền của quỹ tín dụng với số tiền 150 triệu.Vì làm ăn thua lỗ em tôi không có khả năng trả dứt nợ mà chỉ trả được 18 triệu. Cho đến nay quỹ tín dụng khởi kiện tôi ra Tòa án nhân dân huyện rồi chuyển bản án qua thi hành án cưỡng chế tài sản của tôi. Lúc ban đầu vay 150 triệu đã trả được 18 triệu tức còn lại 132 triệu. Cho đến hôm nay mọi chuyện vỡ ra không biết phía quỹ tín dụng với thi hành án tính lãi như thế nào mà báo với tôi là lên tới 95 triệu tiền lãi cộng với tiền vốn là 227 triệu và đang chờ ngày phát mải đất. Rất mong nhận được nhận được sự tư vấn của luật sư. Xin cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ tại Điều 317 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thế chấp tài sản như sau:

 

“Điều 317. Thế chấp tài sản

 

1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

 

2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.”.

 

Bên cạnh đó, tại Điều 335 Bộ luật dân sự 2015 quy định về bảo lãnh:

 

1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

 

2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

 

Ngoài ra, tại Điều 299 Bộ luật dân sự 2015 quy định về các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm như sau:

 

Điều 299. Các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm

 

1. Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

 

2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.

 

3. Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.

 

Căn cứ quy định nêu trên và thông tin bạn cho biết, việc gia đình bạn cho người em ruột mượn sổ đỏ để vay quỹ tín dụng có nghĩa là gia đình bạn đã đồng ý đem tài sản của gia đình để bảo lãnh cho nghĩa vụ trả nợ của người em. Trong trường hợp này, gia đình bạn cho mượn sổ đỏ và người đứng tên sẽ đóng vai trò là người bảo lãnh. Do đó, trong trường hợp người em của bạn không trả được nợ, bên bảo lãnh (gia đình bạn) phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho người được bảo lãnh (người em). Sau khi trả xong nợ thì mới lấy lại được sổ đỏ. Trường hợp, nếu gia đình bạn không trả được nợ thì bên cho vay (ngân hàng) có quyền khởi kiện bạn tại Tòa án để yêu cầu phát mại tài sản thế chấp để đảm bảo cho quá trình thi hành án.

 

Tuy nhiên, liên quan tới việc ngân hàng xác định số tiền nợ gốc và lãi phát sinh tương ứng 95 triệu tiền lãi cộng với tiền vốn là 227 triệu có đúng hay không thì phải dựa trên hợp đồng vay và giấy tờ đã thanh toán làm cơ sở. Trường hợp ngân hàng xác định không đúng so với hợp đồng thì có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định lại nghĩa vụ thanh toán để làm căn cứ giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Phạm Diệu - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo