Luật sư Việt Dũng

Chia thừa kế thế nào khi tài sản đang sở hữu chung với người khác?

Luật sư tư vấn về trường hợp chồng chết không để lại di chúc, mà tài sản đang là sở hữu chung vợ chồng. Nội dung tư vấn như sau:

 

Chồng  tôi năm 1995 đi nước ngoài có gửi tiền cho mẹ đẻ mua một lô đất ,đất bán theo dịch vụ của xã trị giá 45 triệu. Năm 1999 anh về nước xây nhà bê tông 1 tầng và cưới  tôi làm vợ ( Trước khi anh lấy  tôi anh đã ly hôn với vợ cũ có một đứa con trai phần tài sản của vợ chông anh ấy với vợ cũ đã được tòa giải quyết ,một nửa ngôi nhà phần của anh ấy với vợ cũ anh ấy giành cho con vợ cũ và hang tháng vẫn chu cấp tiền nuôi con đến năm con anh ấy 18 tuổi nay con anh ấy trưởng thành đã có vợ con ).Từ đó đến nay tôi sống và sinh được hai đứa con ở tại mảnh đất đó , đã sửa sang tu sửa nhiều  thành nhà 2 tầng ,đất khi mua rất trũng ,nay đã đổ cao cơi nới thêm làm lán bán hàng.Nay chồng tôi không may qua đời không để lại di chúc gì cả ,mẹ chồng tôi đuổi tôi  và 2 con tôi ra khỏi nhà không cho tôi thờ cúng mà gọi thằng con  riêng với vợ cũ về cho nó thờ cúng.Hiện tại mảnh đất này chưa làm sổ đỏ ,chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ cho chồng tôi,nhưng sau nhiều lần đo lại đất thì tại bản đồ mới nhất của địa chính xã đã ghi tên chồng tôi .Nay mẹ chồng tôi không cho tôi ở vì lý do bà bảo đất của bà mua .( Giấy trả tiền cho UB xã đứng tên bà ).Vì vậy tôi mong muốn nhờ Luật Sư tư vấn giúp tôi sẽ phải làm gì để bảo vệ quyền lợi cho tôi và 2 con của tôi tốt nhất (hiện hai con của tôi chưa đủ 18 tuổi). Cả tôi và hai con đều ở hoàn cảnh yếu đau bệnh tật.Tôi xin chân thành cảm ơn !Tôi rất mong sớm được hồi âm.!

 

Trả lời: Cảm ơn chị đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Trước hết cần xác định khối tài sản của cả vợ chồng chị và tài sản riêng của anh chồng. Bởi lẽ nếu như là tài sản chung của hai vợ chồng chị cũng có phần ở đó do vậy không thể dùng tài sản của chị để góp vào di sản để phân chia khi anh chồng mất.

 

Theo đó tại điều 33 và điều 43 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định như sau:

 

Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

 

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

....

Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

 

Như vậy chị cần xem xét trong thời kỳ hôn nhân những tài sản nào được tạo lập mà không có thỏa thuận là phân chia tài sản riêng thì sẽ là tài sản chung của 2 vợ chồng và khi đó theo nguyên tắc sẽ là chia đôi. Mảnh đất này là mẹ chồng chị mua hộ và có từ trước thời kì hôn nhân nên đây là tài sản riêng của anh chồng, nhưng ngôi nhà cũ đã được tu sửa thành nhà 2 tầng và  ngôi nhà này được xây dựng trong thời kỳ hôn nhân do vậy chị sẽ có một nửa giá trị ngôi nhà. Còn những tài sản khác cũng sẽ phân chia trên nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng thì chia đôi có dựa trên các yếu tố công sức đóng góp,….Sau đó phân chia tài sản của chị và tài sản của người chồng.

 

Thứ hai, vì anh chồng chị chết không để lại di chúc cho nên theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 thì sẽ phân chia tài thừa kế theo pháp luật. Khi phân chia theo pháp luật sẽ chia theo những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm:

 

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

…...

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

 

Như vậy chỉ chia di sản của người chồng tức những tài sản của riêng chồng và phần tài sản trong khối tài sản chung với chị. Di sản này sẽ chia cho bố mẹ đẻ, vợ, con ( gồm cả con đẻ với người vợ đầu tiên). Theo đó việc mọi người trong nhà không cho chị ở lại trong ngồi nhà đó hoàn toàn là sai, bởi lẽ theo luật cư trú thì pháp luật luôn tôn trọng chỗ ở hợp pháp của công dân đồng thời trong ngôi nhà đó chị cũng có phần ở đó cho nên để đảm bảo quyền lợi của mình chị có quyền yêu cầu tòa án nhân dân thực hiện việc phân chia di sản thừa kế. Đồng thời với hành vi đuổi mẹ con chị ra khỏi nơi cư trú hợp pháp của chị như vậy chị có thể nhờ đến sự giúp đỡ của cơ quan công an nơi chị cư trú để được giải quyết. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
 CV tư vấn: Hà Tuyền  - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo