Chia di sản thừa kế như thế nào khi mẹ mất không để lại di chúc?
Xin chào luật sư! Tôi là người nông dân cũng không hiểu về pháp luật. Nay tôi có một câu hỏi xin được tư vấn. Ở nơi tôi đang có dự án xây dựng đô thị nhà nước lấy đền bù. Mẹ tôi có mảnh ruộng tại khu vực đó. Năm 1990 khi xây dựng gia đình cho tôi xong. Đến 1992 mẹ tôi về nhà anh cả cho phải lẽ xong vì bất hòa nên cuối năm 1993 mẹ tôi lại trở về sống với tôi cho tới lúc mất hiện giờ tôi vẫn đang thờ cúng mẹ tôi. Do tháng 5/1993 khi cấp sổ đỏ ruộng canh tác đất nông nghiệp thì định suất của mẹ tôi được thể hiện trên sổ nhà anh cả. Khi mẹ về nhà tôi thì tôi lại tiếp tục làm cho tới bây giờ. Tôi xin hỏi sau khi mẹ tôi mất không để lại di chúc (y nguyện mẹ tôi vẫn để tôi thờ cúng). Tôi muốn nhận lại quyền thì phải làm thế nào? Nếu phải chia tài sản thì như thế nào cho đúng và đất sản xuất nông nghiệp có được coi là tài sản không! Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Căn cứ theo thông tin bạn cung cấp thì mẹ bạn có sở hữu 1 mảnh ruộng, tháng 5/1993 khi cấp Sổ đỏ thì định suất của mẹ bạn được thể hiện trên sổ của người anh cả. Hiện nay, mảnh đất của mẹ bạn nằm trong dự án xây dựng đô thị, Nhà nước tiến hành thu hồi và thực hiện bồi thường. Do mẹ bạn mất không để lại di chúc nên mảnh đất trên sẽ trở thành di sản thừa kế và được chia theo pháp luật cho hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
…”.
Theo quy định trên thì phần di sản thừa kế của mẹ bạn sẽ được chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất. Những người thừa kế cùng hàng sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Tuy nhiên, phần đất trên được Nhà nước tiến hành thu hồi và thực hiện bồi thường. Do đó, giá trị của mảnh đất được bồi thường sẽ là di sản thừa kế và được chia theo pháp luật cho hàng thừa kế thứ nhất.
Như vậy, để phân chia phần di sản thừa kế trên thì các đồng thừa kế có thể thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế và thỏa thuận phân chia di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã (phường). Anh chỉ có thể nhận toàn bộ diện tích đất của mẹ nếu tất cả các đồng thừa kế đồng ý tặng cho bạn. Khi đó, trong nội dung văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế cần đề cập tới vấn đề tặng cho này. Tuy nhiên, nếu các đồng thừa kế không muốn tặng cho bạn thì di sản sẽ được chia đều cho những người thừa kế.
Trường hợp, không thỏa thuận được thì bạn có thể làm đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận (huyện) yêu cầu phân chia di sản thừa kế.
Trân trọng.
CV tư vấn: Phạm Diệu - Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất