LS Thanh Hương

Chỉ định thầu và quy trình chỉ định thầu quy định thế nào?

Pháp luật đấu thầu hiện hành đã có quy định cụ thể về chỉ định thầu và quy trình chỉ định thầu, tuy nhiên trong quá trình doanh nghiệp thực hiện gặp rất nhiều vướng mắc liên quan đến vấn đề chỉ định thầu. Do đó, nếu bạn gặp phải những vướng mắc và cần được tư vấn thì bạn có thể liên hệ với Luật sư của chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

1. Luật sư tư vấn về chỉ định thầu

- Luật Đấu thầu 2013 có quy định các hình thức lựa chọn nhà thầu bao gồm: Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, tham gia thực hiện của cộng đồng.

- Với mỗi hình thức lựa chọn nhà thầu pháp luật đã có những quy định cụ thể, tuy nhiên hiện nay vấn đề chỉ định thầu đang gặp rất nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện.

- Do đó, khi doanh nghiệp bạn gặp phải vấn đề trên và để tránh các rủi ro không mong muốn có thể xảy ra thì bạn có thể liên hệ trực tiếp với Luật sư của Công ty Luật Minh Gia để được giải đáp các vướng mắc.

Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo thêm tình huống chúng tôi xử lý sau đây để có thêm kiến thức pháp lý trong lĩnh vực này.  

2. Quy định pháp luật về chỉ định thầu và quy trình chỉ định thầu

Câu hỏi:

Tôi đang làm việc ở Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng. Tôi muốn hỏi: Dự án đã được phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, nhưng nay người có thẩm quyền quyết định đầu tư đã phê duyệt lại chủ trương đầu tư bổ sung thêm thiết kế. Chúng tôi là chủ đầu tư đã phê duyệt bổ sung đề cương, nhiệm vụ khảo sát, thiết kế và dự toán kinh phí chuẩn bị đầu tư cho dự án đó.

Vậy xin hỏi, chúng tôi có được quyền ra quyết định chỉ thầu tiếp tục cho đơn vị đã thực hiện khảo sát thiết kế dự án này từ trước không? Hay cần phải người có thẩm quyền quyết định đầu tư ra quyết định này? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, vấn đề của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Theo quy định các hình thức lựa chọn nhà thầu bao gồm: Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, tham gia thực hiện của cộng đồng.

Trong trường hợp của bạn, cần xem xét hình thức đấu thầu ở đây là đấu thầu rộng rãi hay chỉ định thầu.

- Trường hợp đấu thầu rộng rãi

Trong trường hợp dự án đã được phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, nhưng nay người có thẩm quyền quyết định đầu tư đã phê duyệt lại chủ trương đầu tư bổ sung thêm thiết kế, thì theo đặc tính của đấu thầu rộng rãi phải tổ chức lại việc lựa chọn nhà thầu theo Khoản 1, Điều 38 - Luật Đấu thầu 2013:

"1. Quy trình lựa chọn nhà thầu đối với đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế được thực hiện như sau:

a) Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;

b) Tổ chức lựa chọn nhà thầu;

c) Đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng;

d) Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;

đ) Hoàn thiện, ký kết hợp đồng.

Như vậy, nếu dự án của bạn đang thực hiện lựa chọn nhà thầu dưới hình thức đấu thầu rộng rãi, thì sẽ không đặt ra vẫn đề về quyền ra quyết định chỉ thầu tiếp tục cho đơn vị đã thực hiện khảo sát thiết kế dự án này thuộc chủ thể nào, do quy trình lựa chọn nhà thầu phải được thực hiện lại từ đầu.

- Trường hợp chỉ định thầu

Trong trường hợp dự án của bạn đang lựa chọn nhà thầu dưới hình thức chỉ định thầu: 

Quy trình lựa chọn nhà thầu được thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 38 - Luật Đấu thầu 2013:

"... 2. Quy trình lựa chọn nhà thầu đối với chỉ định thầu được thực hiện như sau:

a) Đối với chỉ định thầu theo quy trình thông thường bao gồm các bước: chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu; đánh giá hồ sơ đề xuất và thương thảo về các đề xuất của nhà thầu; trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; hoàn thiện, ký kết hợp đồng;

b) Đối với chỉ định thầu theo quy trình rút gọn bao gồm các bước: chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng cho nhà thầu; thương thảo, hoàn thiện hợp đồng; trình, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; ký kết hợp đồng."

- Về trách nhiệm của chủ đầu tư và trách nhiệm của người có thẩm quyền phê duyệt dự án

Luật Đấu thầu cũng có những quy định cụ thể tại Điều 73 và Điều 74 có quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư như sau:

Điều 74. Trách nhiệm của chủ đầu tư

1. Phê duyệt các nội dung trong quá trình lựa chọn nhà thầu, bao gồm:

đ) Kết quả lựa chọn nhà thầu.

Theo như quy định trên thì chủ đầu tư có thẩm quyền phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, khi phát sinh vấn đề về phê duyệt lại chủ trương đầu tư bổ sung thêm thiết kế thì phải đặt ra vấn đề thương lượng với nhà thầu đang được chỉ định, xem nhà thầu này có thể đáp ứng được các điều kiện để đảm bảo thực hiện tốt công việc đối với những phát sinh thêm khi bổ sung thêm thiết kế hay không.

Nếu nhà thầu đáp ứng được các điều kiện để đảm bảo thực hiện tốt chủ trương đầu tư bổ sung thêm thiết kế và có thỏa thuận rõ ràng giữa hai bên về việc đảm bảo thực hiện đúng, đủ những công việc theo thiết kế mới này, thì phía chủ đầu tư có quyền ra quyết định chỉ thầu tiếp tục với nhà thầu trước đây.

Bên cạnh đó, bạn cần cân nhắc thêm những vấn đề như khi bổ sung thêm thiết kế, nhà thầu cũ có thể không đáp ứng đủ điều kiện của chủ trương mới này, và những bổ sung thiết kế dẫn đến việc thay đổi phần lớn điều kiện để xét lựa chọn nhà thầu. Lúc này, vấn đề xây dựng một bản kế hoạch lựa chọn nhà thầu mới có thể đặt ra.

Theo như thông tin bạn cung cấp thì đây là dự án đã được phê duyệt trước khi gói thầu được thực hiện, vì vậy trách nhiệm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thuộc về người có thẩm quyền quyết định đầu tư theo quy định tại Điều 73 – Luật Đấu thầu 2013:

"Trách nhiệm của người có thẩm quyền

1. Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 74 của Luật này."

Theo đó, nếu như việc phê duyệt lại chủ trương đầu tư bổ sung thêm thiết kế dẫn đến hệ quả là nhà thầu đã được chỉ định không đáp ứng được các yêu cầu thay đổi với chủ trương bổ sung thì cần lựa chọn lại nhà thầu và buộc phải thông qua một bản kế hoạch lựa chọn nhà thầu mới với sự phê duyệt của người có thẩm quyền quyết định đầu tư.

Như vậy, trong trường hợp của bạn cần xem xét về khả năng đáp ứng những điều kiện mới của nhà thầu trong việc thực hiện những vấn đề khi bổ sung thiết kế.

Nếu nhà thầu vẫn đảm bảo hoàn thành công việc trong phạm vi những bổ sung mới, thì chủ đầu tư có thể ra quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu trước đây mà không cần thông qua người có thẩm quyền quyết định đầu tư.

Trong trường hợp phát sinh vấn đề phải thay đổi kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thì phải thực hiện lại thủ tục lập bản kế hoạch lựa chọn nhà thầu và thông qua sự phê duyệt của người có thẩm quyền quyết định đầu tư.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn