Chết không có di chúc chia di sản thừa kế như thế nào?
Nội dung tư vấn: Luật sư cho e hỏi tý ah. Năm 1995 bố e có mua một mảnh đất để ở nhưng sau đó quyết định cho chú của e và đã làm sổ đỏ đứng tên chú e (lúc đó chú e sống với bà Nội, đã có vợ và 1 đứa con gái). Sau khi có đất, vợ chồng chú e đã xây ngôi nhà nhỏ để ở. Năm 1997 vì mâu thuẩn vợ chồng nên vợ chồng chú đã ly hôn, khi đó tòa xử là chia hai tài sản và cho con gái sống với mẹ. Nội và chú e đã vay mượn tiền để trả khoản tài sản chia đôi cho vợ chú. Sau đó 1 năm thì chú mất. Nội ở 1 mình. Khoảng đầu năm 2000, được sự quan tâm của nhà nước đối với người có công cách mạng (ông Nội là liệt sĩ) đã hỗ trợ tiền cho bà Nội xây 1 căn nhà nhỏ để ở và thờ phụng (đập căn nhà chú xây trước đó và xây lại ngôi nhà khác bằng tiền hỗ trợ của nhà nước). Đến nay Nội đã già nên vợ chồng chú út về ở với Nội để tiện chăm sóc. Bi giờ Nội muốn chuyển tên người sở hữu mảnh đất đó từ tên chú của e sang tên Nội của e có được không? Mà con gái của chú cũng có ý định giành mảnh đất đó vì nó bảo đó là đất của bố nó. Nếu bây giờ muốn chuyển được tên cho Nội trong sổ đỏ thì nhà e cần phải làm gì? Mà nếu không chuyển được thì sao, có ở mảnh đất đó được không? Đường cùng là nộp đơn lên tòa thì khả năng Nội e sở hữu mảnh đất đó là khoảng bao nhiêu phần trăm. Xin Luật sư tư vấn giúp e. Xin chân thành cảm ơn.
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Nguồn gốc mảnh đất mà chú bạn đang sở hữu là được bố bạn tặng cho và đã làm thủ tục sang tên trên giấy chứng nhận. Căn cứ vào Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013: "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất" . Như vậy, mảnh đất trên thuộc quyền sử dụng của chú bạn.
Trong trường hợp chú bạn mất thì mảnh đất được coi là di sản thừa kế, căn cứ vào Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về di sản như sau:
"Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác"
Nếu có di chúc và di chúc hợp pháp thì di sản sẽ được chia theo di chúc. Còn không thì sẽ được chia theo pháp luật, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng di sản này. Căn cứ vào quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015:
"Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật.
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;"
Như vây, trong trường hợp này nếu xác định người được hưởng là nội bạn và con của chú thì di sản sẽ được chia thành hai phần. Do đó, nếu muốn chuyển quyền sở hữu mảnh đất sang tên nội bạn thì cần phải làm văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế ( có công chứng hoặc chứng thực) và trong văn bản phải có sự đồng ý của người con của chú.
Nếu người con của chú không đồng ý thì di sản này sẽ được chia. Việc phân chia ở đây có thể theo thỏa thuận của hai bên, nếu không thỏa thuận được thì sẽ chia theo hai cách.
Cách một: nếu mảnh đất tách thửa được thì sẽ tách rồi chia cho những người có quyền.
Cách hai: nếu không tách được thì một người sẽ sử dụng mảnh đất và người còn lại sẽ được thanh toán phần giá trị tương đương với phần mình được hưởng bằng tiền.
--------------
Câu hỏi thứ 2 - Có thể thực hiện cấp lại giấy tờ tùy thân cho người bà đã mất không?
Bà nội tôi mất cách đây 100 ngày, giấy tờ tuỳ thân( hộ khẩu, cMTND) của bà đều do cháu bên chồng của bà giữ( bà và ông nội li hôn, bà lấy chồng khác, 2 ông bà ko có con chung, ông dượng ko có con riêng, chỉ bà có con riêng duy nhất là bố tôi) Gia đình tôi nhiều lần đòi lại nhưng họ không giao trả. Tôi muốn hỏi gia đình tôi có thể xin cấp lại số giấy tờ trên hay không? Nếu có thì cần làm thủ tục như thế nào?
Trả lời: Đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Trường hợp bạn là con của người chết thì có quyền yêu cầu những người cháu trả lại giấy tờ của bà. Nếu họ không trả thì có thể nhờ tới sự can thiệp của chính quyền địa phương hoặc công an xã, phường nơi cư trú.
Hiện nay, nếu bà đã mất thì không có căn cứ cấp lại giấy tờ tùy thân cho người đã chết. Tuy nhiên, nếu cần những thông tin về nhân thân của bà để gia đình thực hiện một số thủ tục khác thì gia đình có thể làm đơn xin xác nhận về thông tin nhân thân gửi tới cơ quan có thẩm quyền (UBND xã, phường).
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng !
CV tư vấn: Phạm Huệ - Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất