Cà Thị Phương

Chế tạo súng hơi sẽ bị xử lý như thế nào

Luật sư tư vấn về việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi chế tạo súng hơi theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:

 

Nội dung yêu cầu tư vấn: Thưa luật sư có thể giúp cháu một việc như sau được không ạ. Cháu có mua đồ trên mạng về để chế tạo súng gồm 1 cái bơm cao áp và  ống nhôm và ở nhà cháu có một số đồ vật dùng để chế tạo súng bắn hơi gồm ống kẽm hàn đầu và một đầu lắp bằng van cứu hỏa và một ống búa có cò súng. Nhưng do cháu không biết làm và vứt đồ một chỗ . Tự dưng có một hôm công an đến nhà nói là cháu có liên quan đến một người mua bán súng quân dụng ở lạng sơn và đã bị bắt. Rồi bảo cháu giao nộp ra những thứ đã mua. Nhưng thực ra thì chuyện liên quan đó là không có chỉ do công an bịa ra để bắt cháu giao nộp những đồ kia. Khi họ đến nói thì cháu cũng đã giao nộp những thứ đó ra. Vậy thưa luật sư cháu có bị làm sao không ạ. Mong luật sư sớm trả lời cho cháu biết với ạ. Cháu trân thành cảm ơn.


Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:


Thứ nhất, hành vi chế tạo súng sẽ bị xử lý như thế nào?


Bạn có ý định chế tạo súng bắn hơi và đã mua các thiết bị để chuẩn bị cho việc chế tạo đó. Các thiết bị, phụ kiện bạn đều mua trên mạng, công an nói đó là thiết bị của súng quân dụng. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh16/2011/UBTVQH12 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì:


“2. Vũ khí quân dụng gồm:
 

a) Súng cầm tay hạng nhỏ là vũ khí được thiết kế cho cá nhân sử dụng gồm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên và các loại súng khác có tính năng, tác dụng tương tự;
 

b) Vũ khí hạng nhẹ gồm súng đại liên, súng cối dưới 100 mi-li-mét, (mm), súng ĐKZ, súng máy phòng không dưới 23 mi-li-mét (mm), súng phóng lựu, tên lửa chống tăng cá nhân, tên lửa phòng không vác vai, các loại vũ khí hạng nhẹ khác có tính năng, tác dụng tương tự;
 

c) Các loại bom, mìn, lựu đạn, đạn, ngư lôi, thủy lôi, hỏa cụ;
 

d) Vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng”.


Các thiết bị bạn mua bao gồm 1 cái bơm cao áp và  ống nhôm và ở nhà bạn có một số đồ vật dùng để chế tạo súng bắn hơi gồm ống kẽm hàn đầu và một đầu lắp bằng van cứu hỏa và một ống búa có cò súng. Mà theo quy định trên thì đây không phải là vũ khí quân dụng mà chỉ là các thiết bị để chế tạo súng hơi. Do đó, bạn không phải chịu trách nhiệm hình sự về mua bán vũ khí quân dụng. Tuy nhiên, do bạn sử dụng các thiết bị mua được để chế tạo súng và việc sử dụng các thiết bị nà để chế tạo súng là lần đầu tiên đã vi phạm điều cấm về chế tạo vũ khí (theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12). Do đó bạn có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chế tạo súng hơi.


Để xác bạn có thuộc đối tượng bị xử phạt về hành vi này hay không thì cần phải xem xét độ tuổi của bạn. Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính”.


Hành vi sử dụng các thiết bị mua được trên mạng của bạn để chế tạo súng hơi là hành vi cố ý. Do đó nếu bạn đã đủ từ 14 tuổi trở lên thì bạn sẽ phải bị xử phạt vi phạm hành chính với hành vi này. Trường hợp bạn chưa đủ 14 tuổi thì bạn chỉ bị tịch thu các thiết bị mà bạn đã mua để chế tạo súng hơi mà không bị xử phạt hành chính.


Thứ hai, về mức phạt vi phạm hành chính cụ thể


Xử phạt vi phạm hành chính có nhiều hình thức xử phạt như là cảnh cáo hoặc phạt tiền; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính); Trục xuất.


Trường hợp của bạn, bạn không cung cấp độ tuổi của mình mà với từng độ tuổi hình thức xử lý vi phạm được áp dụng sẽ khác nhau. Do đó, tùy vào tuổi của bạn thì sẽ có những hình phạt áp dụng khác nhau. Cụ thể: 


Trường hợp thứ nhất, bạn đã đủ 14 tuổi nhưng dưới 16 tuổi


Theo quy định tại Điều 22 Luật xử phạt vi phạm hành chính năm 2012 thì:
 

“Điều 22. Cảnh cáo
 

Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản”.

 

Theo đó, nếu bạn đã đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi thì bạn sẽ bị xử phạt hành chính theo hình thức cảnh cáo kèm theo hình thức tịch thu tang vật vi phạm hành chính. Việc phạt cảnh cáo của bạn sẽ có văn bản quyết định phạt cảnh cáo cụ thể.


Trường hợp thứ hai, bạn đã từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

 

Đối với trường hợp bạn đã từ đủ 16 tuổi trở lên thì bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo hình thức phạt tiền. Cụ thể theo quy định tại Điểm a khoản 6 và Điểm a Khoản 8 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì:


“6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
 

a) Sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn trái phép”.


“8. Hình thức xử phạt bổ sung:
 

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 1; Điểm b Khoản 2; Điểm d, đ, g Khoản 3; Điểm a, c, d Khoản 4; Khoản 5; Khoản 6 Điều này”.

 

Trường hợp bạn này bạn sẽ bị áp dụng hình thức phạt tiền với mức phạt từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Tuy nhiên bạn chưa đủ 18 tuổi vẫn là người chưa thành niên nên theo nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính đối với người thành niên theo quy định tại Khoản 3 Điều 134 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì:


“3. Việc áp dụng hình thức xử phạt, quyết định mức xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính.
 

Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền.


Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên; trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay”.


Khi bị phạt tiền thì bạn sẽ chỉ bị phạt ở mức không quá1/2 mức tiền phạt mà người thành niên bị phạt. Nếu bạn không có tiền nộp phạt thì cha, mẹ hoặc người giám hộ của bạn phải nộp phạt thay cho bạn. Đồng thời, bạn phải nộp lại các thiết bị để chế tạo súng hơi mà bạn đã mua.


Trường hợp thứ ba, bạn đã đủ 18 tuổi trở lên

 

Đối với trường hợp này bạn đã là người thành niên. Do đó, theo quy định tại Điểm a khoản 6 và Điểm a Khoản 8 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP bạn sẽ bị phạt tiền với mức phạt trong khoảng từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Đồng thời bạn phải nộp lại tang vật là 1 cái bơm cao áp và ống nhôm và đồ vật dùng để chế tạo súng bắn hơi gồm ống kẽm hàn đầu và một đầu lắp bằng van cứu hỏa và một ống búa có cò súng. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Trần Thị Thìn - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo