Nguyễn Thu Trang

Chê người khác lùn, mập, xấu bị phạt bao nhiêu tiền?

Ngoại hình là một yếu tố quan trọng giúp tạo nên thành công bước đầu trong các mối quan hệ, giúp cho người khác có cái nhìn ấn tượng, có thiện cảm. Nhưng không có ít người vì vô tình hay cố ý lại thường xuyên có những lời lẽ chê bai về ngoại hình của người khác. Dưới góc độ pháp lý hành vi này có vi phạm pháp luật không? Chê người khác lùn, mập, xấu bị xử lý thế nào? Nội dung này được Luật Minh Gia phân tích dưới đây như sau:

1. Tại sao không nên chê bai ngoại hình của người khác?

Chắc hẳn chúng ta đã quá quen thuộc với những câu nói chê bai về ngoại hình như là: sao béo thế, sao lùn thế, sao xấu thế,… hoặc ít nhất cũng từng nghe thấy một lần. Trong thực tế, có những người rất hay đi soi mói ngoại hình của người khác rồi chê bai và cười nhạo họ. Cũng nhiều người vì ganh ghét, đố kỵ mà sẵn sàng đem ngoại hình của người ta ra đùa cợt, bôi nhọ và tưởng như thế là hay. Hành động này rất đáng bị lên án bởi ảnh hưởng rất tiêu cực tới những đối tượng bị hướng đến.

Với người bình thường, có bản lĩnh, khi bị chê bai ngoại hình có thể thấy không sao, không bị ảnh hưởng. Nhưng đối với những người nhạy cảm, để tâm đến lời nói của người khác thì họ cảm thấy tự ti về bản thân, đôi lúc còn có nguy cơ dẫn đến trầm cảm, hay nghiêm trọng hơn là tự tử.

Căn cứ vào từng hành vi chê bai và hậu quả, dưới góc độ pháp luật, người có hành vi chê bai có thể sẽ phải chịu những trách nhiệm pháp lý khác nhau.

Dù vì bất cứ lý do gì cũng không nên chê bai về ngoại hình của người khác, bởi ai cũng mong muốn mình có một ngoại hình đẹp. Tuy nhiên, ngoại hình của mỗi người là tự nhiên do cha mẹ sinh ra, không ai có quyền lựa chọn cha mẹ. Việc chê bai người khác không làm cho người chê bai trở nên xinh đẹp hơn, ngược lại còn vô cùng xấu xí về đạo đức, nhân cách.

2. Chê người khác lùn, mập, xấu phạt bao nhiêu tiền?

Thời gian gần đây, trên các tờ báo và mạng xã hội chia sẻ rộng rãi thông tin chê người khác lùn, mập, xấu có thể bị phạt tới 16 triệu đồng. Thực hư quy định này như thế nào, có đúng như các thông tin lan truyền hay không?

Trước hết, pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của con người, được thể hiện trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật. Căn cứ từng hành vi cụ thể, phương thức thực hiện, hậu quả xảy ra mà sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

- Phạt vi phạm hành chính:

Theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, người có hành vi lợi dụng mạng xã hội xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Ví dụ như đăng lên mạng xã hội xúc phạm, chê bai ngoại hình của người khác kèm theo các thông tin, hình ảnh của người bị chê bai, miệt thị.

- Truy cứu trách nhiệm hình sự:

Người xúc phạm “nghiêm trọng” danh dự, nhân phẩm của người khác bị truy cứu theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với hình phạt có thể phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù. Việc xác định hậu quả nghiêm trọng có thể trong một số trường hợp như làm nạn nhân tự tự, làm nạn nhân trầm cảm,…

Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

- Bồi thường thiệt hại:

Căn cứ vào yêu cầu của người bị thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín và các căn cứ chứng minh, có thể yêu cầu bồi thường tối đa 10 lần mức lương cơ sở. Hiện nay mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng, khoản bồi thường tối đa có thể nhận được là 14.900.000 đồng, căn cứ điều 592 Bộ luật Dân sự 2015:

Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, hành vi chê người khác béo, lùn, mập,… có thể sẽ bị phạt vi phạm hành chính đến 20 triệu đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phụ thuộc vào hành vi vi phạm và hậu quả do người chê bai gây ra. Ngoài ra, còn chịu trách nhiệm bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo