Chế độ thai sản của người lao động quy định thế nào?
I - ĐIỀU HIỆN HƯỞNG:
Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động được hưởng chế độ thai sản khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
(1) Đối tượng được hưởng chế độ thai sản:
- Lao động nữ mang thai;
- Lao động nữ sinh con;
- Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
- Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
- Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
- Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
(2) Thời gian đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH)
- Đối với người lao động thuộc trường hợp thứ 2, 3, 4 (nêu trên): Phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
- Đối với người lao động nữ dinh con đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Lưu ý: Người lao động đủ những điều kiện nêu trên mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
II - QUYỀN LỢI ĐƯỢC HƯỞNG:
1. Thời gian hưởng:
1.1/ Khám thai (tính theo ngày làm việc, nếu ngày nghỉ trùng vào các ngày nghỉ hàng tuần, lễ, Tết thì không được tính hưởng trợ cấp):
- Tối đa 5 lần trong một thai kỳ.
- Mỗi lần khám: Nghỉ 1 ngày (hoặc 2 ngày nếu thai bệnh lý, thai không bình thường hoặc cơ sở y tế thuộc vùng sâu, vùng xa).
1.2/ Sẩy thai, nạo hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý (tính cả ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ hàng tuần)
- 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
- 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
- 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;
- 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
1.3/ Thực hiện các biện pháp tránh thai: (tính cả ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ hàng tuần):
- 07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai;
- 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.
1.4/ Khi sinh con: (tính cả ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ hàng tuần):
- Thời gian nghỉ thông thường: 6 tháng (Tổng thời gian trước và sau khi sinh con). Trường hợp sinh đôi trở lên, từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
- Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian nghỉ thông thường (nêu trên); thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.
- Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ theo thời gian nghỉ thai sản thông thường (nêu trên). Trường hợp mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
Trường hợp cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của mẹ theo thời gian nghỉ thai sản thông thường.
- Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
- Đối với lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con, được hưởng chế độ thai sản như sau:
-
05 ngày làm việc;
-
07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
-
Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
- Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Lưu ý: Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với nam được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
1.5/ Nhận nuôi con nuôi:
- Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi được nghỉ việc hưởng chế độ trợ cấp thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản về thời gian tham gia BHXH thì chỉ cha hoặc mẹ được nghỉ việc hưởng chế độ.
1.6/ Khi mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ
- Lao động nữ mang thai hộ được hưởng chế độ khi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và chế độ khi sinh con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian nghỉ chế độ sinh con thông thường. Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
- Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
2. Mức hưởng:
- Mức trợ cấp bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
- Nếu đóng BHXH chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng khi khám thai, sảy thai, nạo hút thai hoặc thai chết lưu, thực hiện các biện pháp tránh thai, chế độ khi sinh con (trừ chế độ nghỉ thông thường) là mức bình quân tiền lương, tiền công của các tháng đã đóng BHXH.
- Mức hưởng một ngày đối với trường hợp khám thai, lao động nam nghỉ khi vợ sinh con được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;
- Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng (nêu trên), trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp nghỉ hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng BHXH, thời gian này người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH.
3. Trợ cấp một lần:
Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
4. Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con:
Lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con:
- Sau khi sinh con đã nghỉ ít nhất được 04 tháng;
- Có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động.
- Được người sử dụng lao động đồng ý.
Ngoài tiền lương, tiền công của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng chế độ thai sản cho đến hết thời hạn theo quy định.
5. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản:
- Điều kiện: Trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa hồi phục đối với trường hợp:
-
Hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý
-
Nghỉ hưởng chế độ sinh con (thông thường)
-
Nghỉ hưởng chế độ sinh con mà con chết
- Thời gian nghỉ:
-
Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên;
-
Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
-
Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.
- Mức hưởng: 30% mức lương cơ sở
III - HỒ SƠ HƯỞNG CHẾ ĐỘ:
1. Lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; người lao động thực hiện biện pháp tránh thai:
- Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện của người lao động; trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm Bản sao giấy chuyển tuyến hoặc bản sao giấy chuyển viện.
- Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; hoặc bản sao giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.
2. Lao động nữ sinh con:
- Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con.
- Trường hợp con chết sau khi sinh: Ngoài hồ sơ nêu tại nội dung a tiết này có thêm bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao giấy báo tử của con; trường hợp con chết ngay sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.
- Trường hợp người mẹ hoặc lao động nữ mang thai hộ chết sau khi sinh con thì có thêm bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ.
- Trường hợp người mẹ sau khi sinh hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ sau khi nhận con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con thì có thêm biên bản GĐYK của người mẹ, người mẹ nhờ mang thai hộ.
- Trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì có thêm một trong các giấy tờ sau:
-
Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.
-
Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.
-
Trường hợp phải GĐYK: Biên bản GĐYK.
- Trường hợp lao động nữ mang thai hộ sinh con hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ nhận con thì có thêm bản sao của bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 96 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ.
3. Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi: Bản sao giấy chứng nhận nuôi con nuôi.
4. Lao động nam hoặc người chồng của lao động nữ mang thai hộ nghỉ việc khi vợ sinh con: Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của con; trường hợp sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi mà giấy chứng sinh không thể hiện thì có thêm giấy tờ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thể hiện việc sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.
Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.
5. Lao động nam hoặc người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con: Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của con. Trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.
Trường hợp lao động nam đồng thời hưởng chế độ do nghỉ việc khi vợ sinh con và hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con thì tiếp nhận một lần hồ sơ như nêu trên (tại phần 4).
Trân trọng!
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất