Chập điện gây hỏa hoạn trách nhiệm thuộc về ai

Luật sư tư vấn trường hợp công tơ điện bị cháy dẫn đến hỏa hoạn cháy nhà, thiệt hại về tài sản và trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này như sau:

Câu hỏi: Cháu có câu hỏi muốn luật sư giải đáp giúp cháu. Ngày 21-12-201x trước cửa nhà cháu có nổ công tơ gây cháy, đám cháy theo dây điện lan vào nhà gây hoả hoạn thiệt hại tài sản ước tính trên 100 triệu đồng, sau sau đó 1 ngày bên cty điện lực có cho người xuống hỗ trợ số tiền 50tr và nói chưa cần biết đúng sai do ai đây là bên điện lực xuống hỗ trợ cho gđ cháu ổn định cuộc sống trước mắt, đến hôm nay 9-1-201x bên thanh tra có kết quả là cháy sau công tơ và theo luật thì bên điện lực sẽ ko trách nhiệm phải đền bù gđ cháu nữa, vậy cho cháu hỏi liệu gđ cháu có đưa đơn lên đòi bồi thường tiếp được nữa ko vì cháy ko phải do cháy từ trong nhà cháy ra mà từ cột công tơ điện cháy vào nhà.Cháu xin cám ơn luật sư.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Trường hợp của gia đình bạn là bị hỏa hoạn do cháy công tơ điện, dẫn đến thiệt hại ước tính 100 triệu đồng, đây được xác định là thiệt hại do tài sản bị xâm phạm theo quy định tại Điều 589 – Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

4. Thiệt hại khác do luật quy định.

Khi xác định đây là thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, gia đình bạn có thể yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại, nguyên tắc bồi thường thiệt hại được thể hiện tại Điều 585 như sau:

Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Bạn có cung cấp thông tin hỏa hoạn là do cháy công tơ, vậy kết luận của bên thanh tra đưa ra nguyên nhân cháy công tơ là do đâu? Do việc bảo quản thiết bị điện của cơ quan điện lực không đảm bảo, dẫn đến chập cháy hay bên điện lực thực hiện đúng những yêu cầu cần thiết về lắp đặt và bảo quản công tơ, nhưng công tơ vẫn bị cháy do điều kiện khách quan? Làm rõ được vấn đề công ty điện lực có lỗi gì trong công tác quản lý công tơ dẫn đến hậu quả của vụ cháy này hay không, thì mới xác định được trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cơ quan này.

Bộ luật Dân sự cũng quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại tại Điều 584 như sau:

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Theo đó, nếu muốn tiến hành gửi đơn yêu cầu công ty điện lực thực hiện bồi thường cho số tài sản thiệt hại sau vụ cháy của gia đình bạn, cần xác định yếu tố lỗi của công ty này trong việc quản lý công tơ điện.

Nếu do lỗi cẩu thả, lắp đặt sai thông số kỹ thuật, bảo quản không đúng cách,… thì công ty điện lực có lỗi trong việc dẫn đến hậu quả thiệt hại của gia đình bạn và phải thực hiện bồi thường theo nguyên tắc “đúng, đầy đủ, kịp thời” và có xem xét mực bồi thường dựa trên yếu tố lỗi và thiệt hại xảy ra trên thực tế.

Nếu việc cháy công tơ hoàn toàn do sự kiện bất khả kháng, hoặc được xác định từ lỗi của một bên thứ ba thì phía công ty điện lực không phải bồi thường thêm cho gia đình bạn mà trách nhiệm bồi thường thuộc về bên có lỗi. Tuy nhiên, sự kiện bất khả kháng được hiểu là những hiện tượng do thiên nhiên gây ra, như lũ lụt, hỏa hoạn, bão, động đất, sóng thần, … Do đó, thông thường trong trường hợp công tơ điện bị cháy mà xác định do sự kiện bất khả kháng thì phần nhiều chỉ do nguyên nhân sét đánh vào cột điện làm cháy công tơ. Vậy nên, nếu muốn xác định đây là trường hợp xảy ra thiệt hại do sự kiện bất khả kháng gây ra thì phía cơ quan điều tra phải giải thích và đưa ra được căn cứ rõ ràng.

Như vậy, để bảo vệ quyền lợi cho gia đình mình, bạn có thể làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại đến Tòa án để giải quyết nếu xét thấy lỗi cho vụ hỏa hoạn thuộc về bên công ty điện lực và mức bồi thường 50 triệu ban đầu là không thỏa đáng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169