Cấp lại giấy tờ tuỳ thân, thủ tục thế nào?
Câu hỏi:
Nhà Tôi có 1 Dì sinh năm 1981, bị lừa bán sang trung quốc từ năm 16t, tức là năm 1997 dì bị bán sang đó.Sau gần 20 năm lưu lạc bên trung quốc bị bán đi bán lại với 2 đời chồng và đã có 2 con ;( 1 trai và 1 gái). Vì là bị lừa bán sang đó từ rất sớm với lại do ngày xưa ở quê còn lạc hậu lên Dì tôi không có bất cứ 1 loại giấy tờ tuỳ thân nào cả,( giấy khai sinh đến giờ cũng đã bị mất ). Trong gần 20 năm lưu lạc nơi đất khách quê người năm 2006 Dì tôi cũng tìm được đường về nước lần đầu tiên, lúc ấy Dì đã có 2 con , con nhỏ Dì không thể bỏ chúng được, về nhà thăm bố mẹ và anh chị được gần 1 tháng Dì tôi lại khăn gói quả mướp về bên kia với chồng với con. Từ lúc về đến lúc đi không 1 ngày nào gia đình tôi được yên ổn với chính quyền địa phương, hôm thì xã gọi, hôm thì huyện gọi, lần thì nộp phạt, lần thì viết báo cáo tường trình, ngày Dì tôi khăn gói quả mướp trở về bên kia với chồng và 2 đứa con thơ Ông ngoại tôi cũng lên xã trình báo, và lên huyện báo cáo là dì tôi lại đi tiếp, ( lần đầu dì bị lừa bán đi gia đình cũng làm đơn trình báo lên chính quyền, dì về gia đình cũng lên xã báo ngay,) gia đình không dấu diếm gì. Lần này thì ông tôi trình báo là Dì tôi sang bên trung quốc với chồng với con tiếp và không biết bao giờ mới trở về được tiếp. Rồi tới cuối năm 2016 bà ngoại tôi có ốm nặng cũng là lúc các em bên kia trưởng thành rồi. Lên dì tôi về thăm ông bà, thăm gia đình, dì về gia đình tôi lại lên xã báo cáo là dì về. Lần này về dì mong muốn là được ở lại việt nam sau gần 20 năm lưu lạc. Ông bà ngoại tôi cắt đất cho dì để dì xây nhà ở, đất thì cắt rồi, nhà cũng đã xây xong, nhưng khi lên xin cấp giấy tờ để làm chứng minh thư làm khẩu và làm sổ đỏ thì gia đình vỡ lẽ ra là dì tôi đã bị cắt khẩu từ lần trước ( năm 2006 ) dì về rồi lại đi đó. Vậy là bây giờ dì tôi trở thành người ngoài vòng pháp luật, không được pháp luật bảo vệ, không thuộc quốc tịch nào cả, ko có bất kỳ 1 loại giấy tờ nào tuỳ thân cả. Gia đình có lên xã hỏi thì xã bảo lên huyện, lên huyện thì huyện thì huyện bảo về xã, đã viết bao nhiêu lá đơn, bao nhiêu bản tường trình nhưng cuối cùng nhận dc 1 câu trả lời là không cấp lại được khẩu và chứng minh thư cho dì tôi. Chính quyền yêu cầu là phải quay trở lại trung quốc xin được giấy đăng ký kết hôn bên ấy, hoặc giấy tờ do đại sứ quán bên ấy cấp thì về địa phương mới cấp lại được khẩu. Thử hỏi một người bị lừa đi bán sang trung quốc từ năm 16t khi đi không có 1 loại giấy tờ tuỳ thân nào cả, lại vượt biên chui, lấy chồng chui thì lấy đâu ra giấy thông hành, lấy đâu ra giấy đăng ký kết hôn, mà chính quyền địa phương tôi yêu cầu như vậy? Trên huyện bảo trước huyện nhà cũng có 1 trường hợp như vậy, bà kia tới lúc sắp chết rồi huyện mới cấp lại khẩu cho để có quyền công dân và có được 2m2 đất để chôn, theo kiểu khoan hồng.
Vậy tôi muốn hỏi chính quyền địa phương làm việc như vậy đã đúng và thấu tình hợp lý chưa ?Và hiện nay dì tôi đã ở lại việt nam được tròn 1 năm rồi. Đã có nhà riêng đất riêng rồi. Bây giờ dì tôi cần những thủ tục gì để được cấp lại khẩu, chứng minh thư và có được quyền công dân, và gia đình tôi phải đi những đâu? Bắt đầu từ cơ quan nào để giải quyết được trường hợp của dì tôi. Kính mong nhận được tư vấn của quý công ty và các luật sư trong văn phòng. Gia đình tôi xin cảm ơn và hậu tạ.
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:
Theo như thông tin bạn cung cấp, dì bạn bị xóa hộ khẩu thường trú từ thời điểm 2006, do vậy căn cứ để xóa hộ khẩu thường trú của dì bạn phải đảm bảo tuân thủ theo quy định của Nghị định số 51/CP ngày 10 tháng 5 năm 1997 về việc đăng ký và quản lý hộ khẩu chính phủ. Theo đó, Điều 16 có quy định:
Điều 16. Người từ 15 tuổi trở lên có việc riêng phải vắng mặt qua đêm khỏi quận, thành phố, thị xã, huyện nơi đang thường trú của mình phải khai báo tạm vắng theo quy định.
Người đi vắng khỏi nơi đã đăng ký hộ khẩu thường trú quá 6 tháng mà không khai báo tạm vắng, không có lý do chính đáng sẽ bị xoá tên trong sổ hộ khẩu; khi trở lại phải khai xin đăng ký lại hộ khẩu thường trú theo quy định.
Người có hộ khẩu thường trú, nhưng thực tế không cư trú ở nơi đăng ký hộ khẩu thường trú mà không có lý do chính đáng; hoặc không thể ở nơi đó được thì cơ quan quản lý hộ khẩu phải xoá tên trong sổ hộ khẩu.
Vì vậy, Dì bạn đi khỏi nơi cư trú không có lý do chính đáng quá 6 tháng nên bị xóa đăng ký thường trú, và câu trả lời của UBND xã là phù hợp vơi quy định tại thời điểm đó.
Để làm lại thủ tục nhập khẩu, dì bạn cần thực hiện xin cấp giấy khai sinh nếu trước đây chưa từng thực hiện thủ tục xin cấp giấy khai sinh. Khoản 1, Điều 16 – Luật Hộ tịch có quy định:
Điều 16. Thủ tục đăng ký khai sinh
1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
Như vậy, gia đình bạn cần cung cấp giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Nếu không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
Sau khi đăng ký khai sinh, dì bạn có thể đến cơ quan công an tại địa phương để làm thủ tục đăng ký thường trú.
Thủ tục đăng ký thường trú được quy định đại Điều 21 – Luật Cư trú như sau:
Điều 21. Thủ tục đăng ký thường trú
1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an sau đây:
a) Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;
b) Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
2. Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:
a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;
b) Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật này;
c) Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.
3. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Sau khi thực hiện thủ tục đăng ký thường trú thì dì bạn phải thực hiện thủ tục xin cấp chứng minh thư nhân dân
Để làm thủ tục xin cấp giấy CMND cần chuẩn bị:
- Hộ khẩu thường trú (sổ hộ khẩu, sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể đã được cấp).
- Kê khai tờ khai cấp CMND (theo mẫu).
- Lăn tay, chụp ảnh hoặc công dân nộp ảnh theo quy định.
Sau khi có đủ các giấy tờ tùy thân như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân dì bạn có thể được hưởng các quyền của công dân Việt Nam, được đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có quyền thực hiện các giao dịch dân sự khác mà pháp luật cho phép.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gửi câu hỏi để được hỗ trợ kịp thời.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất