Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Cần quy định rõ khi nào giao dịch dân sự vô hiệu

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) phần liên quan đến hợp đồng, nhất là những quy định về các trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình lấy ý kiến xây dựng Luật.


giao-dich-dan-su-vo-hieu-jpg-21012013010849-U1.jpg

Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu

 

Theo đánh giá chung của nhiều chuyên gia thì những quy định hiện hành về hợp đồng thể hiện sự can thiệp “quá mức” cần thiết của Nhà nước vào quá trình, hình thành tồn tại và phát triển của quan hệ hợp đồng. Điều này, ảnh hưởng đến quá trình vận hành của thị trường cũng như quyền tự do thỏa thuận của các bên giao kết hợp đồng. Điển hình, vi phạm hình thức hợp đồng (phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng, hoặc chứng thực…) được xem là điều kiện để tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Ngoài ra, nhiều quy định chưa tạo điều kiện thuận lợi góp phần nâng cao hiệu quả việc khai thác, sử dụng các loại tài sản hiện có của Nhà nước. Theo Điều 320 thì vật đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm và được phép giao dịch. Quy định này, không phù hợp với thực tế và không bảo đảm  tính linh hoạt của giao dịch dân sự khi mà một người có thể lấy tài sản của một người khác để đảm bảo cho nghĩa vụ của mình miễn là được sự đồng ý của người đó. Ngoài ra, những quy định về bảo hộ các quyền dân sự cũng chưa có sự thỏa đáng, nhất là thời hiệu yêu cầu Tòa tuyên bố giao dịch dân sư vô hiệu (Điều 136), thời hiệu yêu cầu Tòa giải quyết tranh chấp (Điều 427), thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại (Điều 607).

 

Theo pháp luật hiện hành, có 3 trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu: vô hiệu do bị nhầm lẫn; do bị lừa dối và đe dọa; không tuân thủ các quy định về hình thức. Tại điều 131 Bộ luật Dân sự 2005 quy định, các trường hợp bị tuyên là vô hiệu khi có sự nhầm lẫn về nội dung và có lỗi của một bên giao kết hợp đồng, còn đối với các trường hợp như : nhầm lẫn về chủ thể giao kết hợp đồng, cả hai bên trong quá trình giao dịch bị nhầm lẫn thì chưa được quy định trong luật. Từ thực tế, nhất là công tác xét xử cho thấy, đáng lẽ Tòa phải tuyên là vô hiệu trong các trường hợp trên để đảm bảo quyền lợi của các bên, nhưng không thể tuyên vì pháp luật không quy định.

 

Phó chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Từ Văn Nhữ nêu lên một thực tế trong quá trình xét xử là theo quy định công nhân quốc phòng không được chuyển nhượng nhà được phân nhưng trên thực tế việc chuyển nhượng vẫn phổ biến. Vậy, vấn đề đặt ra là hợp đồng chuyển nhượng đó có bị tuyên là vô hiệu không, và khi bị tuyên là vô hiệu thì quyền của người nhận chuyển nhượng được giải quyết như thế nào?

 

Điều 134 quy định, trong trường hợp pháp luât quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án, cơ quan nhà nước có thầm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn, nếu quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu. Đây là vấn đề hiện đang nảy sinh nhiều bất cập và bị lợi dụng. Bởi nếu một bên không thiện chí hoặc không trung thực có thể yêu cầu Tòa tuyên hợp đồng vô hiệu với lý do hợp đồng chưa tuân thủ về mặt hình thức nhằm thu lợi bất chính.

 

Điển hình nhất là trong trường hợp hai bên thỏa thuận mua bán nhà, nhà đã giao, tiền đã nhận nhưng chưa kịp làm thủ tục công chứng, đăng ký. Vì giá nhà tăng cao, bên bán có ý định đòi lại nhà nên yêu cầu Tòa tuyên bố là vô hiệu hợp đồng. Như vậy, quyền lợi của bên không có lỗi không được bảo đảm còn người không trung thực lại được hưởng lợi.

 

Từ thực tế đó nên chăng có quy định mang tính chất mở, điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo những giao dịch đó đã hoặc đang được thực hiện thì giao dịch đó vẫn có hiệu lực. Nếu giao dịch đó chưa được thực hiện thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong thời hạn, quá thời hạn đó mà không được thực hiện thì giao dịch đó được coi là tuân thủ về hình thức.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo