Trần Phương Hà

Bồi thường thiệt hại khi đặt chướng ngại vật ra đường gây tai nạn

Ngày 08/6/2015, tôi lái xe máy đèo bạn trên trục đường quốc lộ 70 (Hướng Yên Bái - Lào Cai) xe có đầy đủ giấy tờ và đội mũ bảo hiểm theo quy định, đi với vận tốc khoảng 55 đến 57km/h. Khi chúng tôi đi gần đến Km 57 - Cột mốc H9 - 140 thì bất ngờ chúng tôi bị 02 dây điện to khoảng 12 ly chăng ngang qua đường buông võng hình cánh cung. Đang điều khiển xe, tôi không phát hiện ra vật cản phía trước vì đang đội mũ bảo hiểm và đeo khẩu trang.
Khi cách dây điện khoảng 15 mét tôi mới phát hiện ra vật cản và từ từ hãm phanh cả sau và trước, xe vẫn di chuyển chậm dần, hai sợi dây điện bện như mô tả trên, một dây đập vào tai lái phía bên phải tôi, tôi cúi người xuống dây điện đó va đập vào người ngồi phía sau tôi và bị bật ra (Người ngồi sau tôi bị rách tay áo phải và bị xưng cằm do dây điện đạp phải). Trong lúc đó, xe máy do tôi điều khiển bị sợi dây điện thứ hai ngáng vào phía bên trên bánh xe trước khoảng 20cm theo hướng di chuyển, dây điện làm cản xe máy lại và mắc vào xe khiến cho toàn bộ phần vỏ nhựa phía trước của xe bị vỡ nát, lúc đó xe dừng lại và đổ dập xuống bên trái làm tôi ngã nằm ra mặt đường, nhưng do dây điện dài và cố định tại một đầu bên phải nên xe máy lại bị vật sang bên phải đổ đè vào cổ chân và bàn trân phải của tôi làm tôi hoang mang, lo sợ, người ngồi sau không bị ngã do nhảy ra được.
Sau khi tôi được người đằng sau dựng xe máy lên để rút chân ra thì người nhà hộ dân đang kéo điện ra quát: "Đã hô to như thế mà vẫn còn phi vào" và mấy người khác đang định thu dọn dây điện mà tôi bị va quệt và mắc vào xe nơi tôi xảy ra tai nạn. Thấy vậy, người ngồi sau tôi và tôi cố đứng dậy để ngăn cản không cho họ thu dọn hiện trường tai nạn, sau đó có mấy người đi đường thấy vậy cũng không cho họ thu dọn hiện trường, đồng thời tôi và một số người khác đã lấy điện thoại di động chụp lại một số hình ảnh tại hiện trường họ mới chịu thôi.
Tiếp đó, chúng tôi định liên lạc cho công an huyện lên giải quyết vụ việc nhưng gia đình hộ dân gây ra tai nạn xin lỗi và nhận toàn bộ lỗi sai sót là của họ, xin và mong muốn giải quyết tình cảm thỏa đáng không liên quan đến pháp luật. Vì không xảy ra tai nạn nghiêm trọng nên chúng tôi đồng ý và thống nhất viết biên bản vụ việc tường trình lại toàn bộ sự việc nêu trên. Sau khi viết biên bản xong, chúng tôi tiến hành đọc biên bản tại chỗ cho tất cả mọi người cùng nghe (cả hộ dân mắc điện và người làm chứng ký vào biên bản) và đề nghị họ thực hiện như cam kết. Chúng tôi lại tự đi xe máy quay trở về địa điểm xuất phát và đưa xe vào hiệu sửa xe máy và đề nghị sửa chữa và thay thế theo yêu cầu, gia đình họ cho một người đi theo giám sát. Trong biên bản tôi yêu cầu họ phải sửa chữa xe của tôi đảm bảo yêu cầu và hoàn thiện trước ngày 30/6/2015.
Ngày hôm sau (09/6/2015) xe máy của tôi đã thay thế và sửa chữa xong. Hôm sau khi đã xảy ra xong tai nạn, phần bả vai và cổ của tôi bị đau, khớp, mắt cá bàn chân trái bị đau và hơi xưng do va đạp lúc ngã hôm trước, bàn chân, mắt cá chân phải của tôi bị xước và bầm tím nhưng phía gia đình gây ra tai nạn cho tôi không hề đến hoặc gọi điện thoại để hỏi thăm về tình trạng sức khỏe của tôi và giải quyết theo thỏa thuận mà hẹn hôm sau mới giải quyết do bận (liên lạc bằng điện thoại với anh bạn của tôi). Mặc dù không có xe đi làm tôi đã phải thuê xe máy khác của người bạn để đi làm hàng ngày.
Đến ngày 10/6/2015, anh bạn ngồi sau xe của tôi gọi điện thoại cho hộ gia đình kéo điện 2 hôm trước nhưng chủ hộ bảo rằng ngày mai mới xuống giải quyết.
Tôi xin quý Luật sư hãy tư vấn giúp tôi:
1. Nếu họ cứ hứa mãi như vậy và đến trước ngày 30/6/2015 như thỏa thuận trong biên bản thì có đúng không?
2. Thời gian tôi không có xe đi làm phải thuê xe khác đi làm họ có phải chịu chi phí thuê xe cho tôi không?
3. Họ tự ý kéo đường dây điện qua đường quốc lộ mà không có báo hiệu.  Như vậy có đúng không? Nếu sai thì sai theo quy định nào?
4. Họ có phải bồi thường về thiệt hại của tôi về vật chất và tinh thần không?
Họ có bị vi phạm luật giao thông không? Vi phạm theo quy định nào?
5. Tôi có nên làm đơn kiện họ ra tòa án nhân dân hoặc báo cho công an biết để can thiệp không? Nếu có xin cho biết thủ tục tiến hành?
6. Bản thân tôi không báo cho công an biết khi tôi bị xảy ra tai nạn thì tôi có bị ảnh hưởng gì không?
7. Nếu ra tòa họ bị phạt thì bị phạt những gì?
Vậy tôi nhờ các chuyên gia tư vấn giúp xem tôi cần phải làm gì trong trường hợp trên?
Xin chân thành cảm ơn các chuyên gia tư vấn!

Bồi thường thiệt hại khi đặt chướng ngại vật ra đường gây tai nạn

 
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

1. Hành vi cản trở giao thông đường bộ:

Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về tội cản trở giao thông đường bộ như sau:
“Điều 203. Tội cản trở giao thông đường bộ 

1. Người nào có một trong các hành vi sau đây cản trở giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Đào, khoan, xẻ trái phép các công trình giao thông đường bộ;
b) Đặt trái phép chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường bộ;
c) Tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá huỷ biển báo hiệu, các thiết bị an toàn giao thông đường bộ;
d) Mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có giải phân cách;
đ) Lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường;
e ) Lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ;
g) Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ;
h) Hành vi khác gây cản trở giao thông đường bộ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Tại các đèo, dốc và đoạn đường nguy hiểm;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.”

Theo điểm b khoản 1 Điều này, hành vi đặt trái phép chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe và tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ 5 đến 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
 
Đối với trường hợp của bạn, theo thông tin bạn cung cấp thì không xảy ra tai nạn nghiêm trọng, do vậy mà gia đình kéo điện không phải chịu trách nhiệm hình sự, mà chỉ dừng ở mức trách nhiệm dân sự theo khoản 1 Điều 604 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
“Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.”
 
2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

Điều 605 BLDS 2005 quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:
“1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.”

Với trường hợp của bạn, hai bên đã có thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại, trong cam kết chính bạn yêu cầu việc bồi thường phải được hoàn thành trước ngày 30/06/2015, do vậy họ có quyền thực hiện việc bồi thường chậm miễn là đầy đủ trước thời hạn đó. Nếu sau ngày 30/06/2015, gia đình kéo điện vẫn không thực hiện đầy đủ trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bạn theo thỏa thuận, bạn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
-  Đơn khởi kiện (theo mẫu thống nhất)
- Các tài liệu liên quan đến vụ kiện
- Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu
- Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn kiện (ghi rõ số bản chính, bản sao).

3. Bồi thường thiệt hại về mặt sức khỏe:
 
Tai nạn đã gây thiệt hại cho sức khỏe của bạn, vì vậy gia đình kéo điện phải bồi thường thiệt hại về mặt sức khỏe cho bạn theo quy định tại Điều 609 BLDS như sau:

“Điều 609. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”

Như vậy, bạn được bồi thường về sức khỏe cũng như bù đắp về tinh thần. Ngoài ra, bên có lỗi cũng phải chi trả chi phí thuê xe cho bạn.

Vấn đề bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm trước hết do hai bên thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Bồi thường thiệt hại khi đặt chướng ngại vật ra đường gây tai nạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


Luật gia: Trương Việt Hà - Công ty Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo