Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, những thành tựu mới của công nghiệp hóa, cơ giới hóa đã làm thế giới ngày càng văn minh, hiện đại hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nó cũng kéo theo sự gia tăng các tai nạn mang tính khách quan nhiều khi nằm ngoài sự chi phối, điều khiển của con người, đe dọa tới sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản… của các chủ thể trong xã hội.

 

Có những sự vật như máy móc, phương tiện, hệ thống điện, dây chuyền sản xuất trong nhà máy… bản thân hoạt động của nó luôn tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại cho môi trường xung quanh. Mặc dù con người luôn tìm mọi cách kiểm soát, vận hành nó một cách an toàn nhưng vẫn có những thiệt hại khách quan bất ngờ có thể xảy ra nằm ngoài sự kiểm soát đó. Trong khoa học pháp lý xuất hiện thuật ngữ “nguồn nguy hiểm cao độ” để chỉ những sự vật như vậy.

 

Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là loại trách nhiệm đặc biệt bởi lẽ thiệt hại xảy ra không phải do hành vi và do lỗi của con người mà do hoạt động của những sự vật mà hoạt động của chúng luôn tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại. Mặc dù chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ có thể không có lỗi đối với thiệt hại nhưng để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người bị thiệt hại, pháp luật vẫn buộc họ có trách nhiệm bồi thường. Pháp luật dân sự thế giới cũng như Việt Nam không có bất kỳ một khái niệm đầy đủ nào về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra nhưng có thể hiểu một cách khái quát, đó là loại trách nhiệm phát sinh cho người sở hữu, chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ khi hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho môi trường và những người xung quanh.

 

1. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

 

1.1. Có hoạt động gây thiệt hại trái pháp luật của nguồn nguy hiểm cao độ

 

Khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự 2005 không đưa ra một định nghĩa khái quát về nguồn nguy hiểm cao độ mà chỉ có quy định ang tính liệt kê: “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”.

 

Khái niệm cụ thể của những loại nguồn nguy hiểm trên được quy định trong nhiều văn bản khác nhau[1]. Nguồn nguy hiểm cao độ theo Điều 623 được hiểu là những vật đang tồn tại hiện hữu mà hoạt động vận hành, sản xuất, vận chuyển, bảo quản… chúng luôn chứa đựng khả năng gây thiệt hại cho môi trường và những người xung quanh. Tính nguy hiểm của nó còn thể hiện ở chỗ con người không thể kiểm soát được một cách tuyệt đối nguy cơ gây thiệt hại.

 

Theo tinh thần Khoản 1 Điều 623, ngoài những loại nguồn nguy hiểm cao độ đã được liệt kê trong điều này, còn có những loại nguồn nguy hiểm cao độ khác theo quy định của pháp luật. Trong thực tế có những sự vật chưa từng được pháp luật quy định là nguồn nguy hiểm cao độ nhưng nếu có đầy đủ tính chất của nguồn nguy hiểm cao độ thì có được coi là nguồn nguy hiểm cao độ không, ví dụ: hoạt động gây thiệt hại của xe đạp điện, xe máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3 (khái niệm “phương tiện giao thông vận tải cơ giới” trong các văn bản hiện nay không quy định những phương tiện này là nguồn nguy hiểm cao độ), ong bò vẽ, rắn độc, chó dại, trâu điên… Theo chúng tôi, khi xem xét sự vật gây thiệt hại có phải là nguồn nguy hiểm cao độ hay không, cần căn cứ vào tính chất của sự vật đó như: mức độ nguy hiểm; khả năng kiểm soát của con người đối với sự vật; quy định của pháp luật liên quan đến việc trông giữ, sử dụng… Xe đạp điện hay xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 là những phương tiện giao thông có gắn động cơ, khi tham gia giao thông có thể đạt vận tốc lớn, có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản người khác, vì vậy cần được xẹm là nguồn nguy hiểm cao độ. Đối với trường hợp chó dại, trâu điên gây thiệt hại tới tính mạng, sức khỏe, tài sản của con người, mặc dù rất nguy hiểm nhưng đây là những động vật đã được thuần hóa, không còn mang tính chất hoang dã, không thể coi là “thú dữ”. Mặt khác, BLDS đã có riêng điều luật quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra (Điều 625) áp dụng đối với chủ sở hữu, người quản lý súc vật nên không thể áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra được. Trong khi đó, ong bò vẽ, rắn độc mặc dù không phải là “thú dữ” (theo các định nghĩa trong từ điển) nhưng phải coi là nguồn nguy hiểm cao độ vì đây là loại động vật còn mang tính hoang dã, chưa được thuần hóa và có tính chất nguy hiểm lớn. Theo chúng tôi, việc xác định một vật có được coi là nguồn nguy hiểm cao độ hay không sẽ phải căn cứ vào các quy định của pháp luật và tính chất của sự vật đó. Nguồn nguy hiểm cao độ không chỉ bao gồm những sự vật được liệt kê tại Điều 623 Bộ luật dân sự mà còn bao gồm những sự vật khác mà hoạt động của chúng luôn chứa đựng khả năng gây thiệt hại cho môi trường xung quanh, con người không thể hoàn toàn kiểm soát được nguy cơ gây thiệt hại. Đối với nguồn nguy hiểm cao độ, pháp luật thường có những quy định nghiêm ngặt trong việc trông giữ, vận hành, sử dụng, vận chuyển… chúng để tránh gây thiệt hại. Vì vậy, xác định nguồn nguy hiểm cao độ không chỉ căn cứ vào khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ tại Điều 623 Bộ luật dân sự mà còn phải căn cứ vào các văn bản, các quy định khác có liên quan.

 

Thiệt hại liên quan đến các loại nguồn nguy hiểm rất đa dạng và do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, chỉ áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra khi thỏa mãn hai dấu hiệu sau:

 

Thứ nhất: Những sự vật được coi là nguồn nguy hiểm cao độ phải đang trong tình trạng vận hành, hoạt động như: phương tiện giao thông vận tải cơ giới đang tham gia giao thông trên đường; cháy, chập hệ thống tải điện; nhà máy công nghiệp đang hoạt động… Trường hợp thiệt hại xảy ra khi nguồn nguy hiểm cao độ đang ở trạng thái “tĩnh” – không hoạt động thì không thể coi là thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, ví dụ: xe ô tô dừng đỗ trên đỉnh dốc nhưng theo quán tính trượt xuống chân dốc gây thiệt hại; cột điện bị đổ trong lúc đang thi công, chưa có điện; thú dữ chết thối rữa gây dịch bệnh…
 

Thứ hai: thiệt hại phải do chính sự tác động của bản thân nguồn nguy hiểm cao độ hoặc do hoạt động nội tại của nguồn nguy hiểm gây ra.

 

Có quan điểm cho rằng các vật là vô tri vô giác, vì vậy chúng không thể gây thiệt hại nếu không có sự tác động của con người. Quan điểm này cho rằng đằng sau việc gây thiệt hại của một vật bao giờ cũng có sự tác động của con người. Chiếc xe gây tai nạn là do người lái xe làm cho nó chuyển động. Quan điểm này đánh đồng tất cả các thiệt hại đều do con người gây ra, vì vậy các thiệt hại đều quy về một nguyên tắc bồi thường thiệt hại nói chung.

 

Tuy nhiên, không phải mọi thiệt hại do vật gây ra đều có sự tác động của con người. Nhiều trường hợp, hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ nằm ngoài sự kiểm soát, chế ngự của con người và tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại. Việc xác định thiệt hại là do “tác động của người” hay “tác động của vật” có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

 

Những trường hợp thiệt hại có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ nhưng do “tác động của con người”, do hành vi của con người gây ra thì chỉ cần áp dụng nguyên tắc chung của trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Hầu hết các vụ tai nạn, thiệt hại đều có sự tham gia của vật với vai trò trung gian như là công cụ, phương tiện mà con người sử dụng để gây thiệt hại như: đặt mìn để gây thiệt hại cho người khác, để đánh cá; dùng súng sát thương người khác; lái xe phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn; dùng chất độc để đầu độc người khác; dùng nguồn điện để gài bẫy trộm; nhốt người vào chuồng hổ cho con thú tấn công… Những trường hợp này thiệt hại hoàn toàn do hành vi có chủ ý của con người chứ không phải do tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại.

 

Trường hợp thiệt hại xảy ra do hoạt động nội tại của nguồn nguy hiểm cao độ, hoàn toàn độc lập và nằm ngoài sự quản lý, kiểm soát của con người thì sẽ áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra như: xe ô tô đang chạy với tốc độ cao đột nhiên mất phanh, mất lái hoặc nổ lốp gây ra thiệt hại; cháy, chập đường dây tải điện; cháy nổ trong nhà máy do trục trặc kỹ thuật…

 

Một điểm cần lưu ý là hoạt động gây thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ phải có tính trái pháp luật. Hoạt động của xe cần trục, xe ủi… khi phá dỡ các công trình xây dựng trái phép không thể coi là trái pháp luật. Có nhiều trường hợp do đặc tính của nguồn nguy hiểm cao độ mà việc gây thiệt hại của những phương tiện này không bị coi là trái pháp luật. Ví dụ, để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, những thiệt hại trên đường sắt do tàu hỏa gây ra cho các chủ thể khác không bị coi là trái pháp luật và ngành đường sắt không có trách nhiệm bồi thường.

 

Bên cạnh đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cũng loại trừ các trường hợp thiệt hại xảy ra do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết (Theo Điều 623 Bộ luật dân sự). Nói tóm lại, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là trách nhiệm đối với sự kiện gây thiệt hại trái pháp luật của nguồn nguy hiểm cao độ chứ không phải thiệt hại do hành vi của con người.

 

1.2. Nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho “người xung quanh”.

 

Nguồn nguy hiểm cao độ do tính chất nguy hiểm của nó có thể gây thiệt hại cho bất kỳ ai: chủ sở hữu, người đang chiếm hữu, vận hành, những người không có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ… Có những chủ thể do mối quan hệ sở hữu, lao động mà họ trực tiếp tiếp xúc với nguồn nguy hiểm cao độ. Đối với chủ sở hữu, họ phải tự chịu mọi rủi ro đối với thiệt hại do tài sản của mình gây ra. Đối với người bị thiệt hại trong khi sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo nghĩa vụ lao động, họ sẽ được hưởng bồi thường theo chế độ bảo hiểm tai nạn lao động. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ chỉ được đặt ra khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho những “người xung quanh”- là những người khi xảy ra thiệt hại không có quan hệ lao động hoặc sở hữu liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ nhằm để bảo vệ quyền được bồi thường cho những người này.

 

Do đặc điểm của nguồn nguy hiểm cao độ là những loại tài sản có khả năng gây ra thiệt hại trong quá trình vận hành, sử dụng chúng, thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra chỉ có thể là những thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe. Thiệt hại về danh dự, uy tín, nhân phẩm – là những thiệt hại chỉ có thể phát sinh do hành vi của con người nên không thuộc phạm vi tác động của nguồn nguy hiểm cao độ.

 

1.3. Có mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động gây thiệt hại trái pháp luật của nguồn nguy hiểm cao độ và thiệt hại xảy ra

 

Điều kiện này đòi hỏi hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ là nguyên nhân tất yếu, nguyên nhân có ý nghĩa quyết định dẫn đến thiệt hại và thiệt hại xảy ra là kết quả của hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ. Khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, điểm mấu chốt quan trọng là xác định thiệt hại đó do nguyên nhân nào gây ra. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra chỉ được áp dụng

 

1.4. Bàn về điều kiện lỗi đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

 

Theo quan điểm cổ điển, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ đặt ra khi có điều kiện lỗi. Lỗi là một trong bốn điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường. Chỉ khi nào một người do lỗi của mình mà gây thiệt hại, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của người khác thì mới phải bồi thường. Cơ sở để người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường là họ phải chứng minh lỗi của người gây thiệt hại. Điều kiện này trong nhiều trường hợp thực tế là không thể thực hiện được khi thiệt hại xảy ra không phải do lỗi của ai cả. Khuynh hướng xác định trách nhiệm bồi thường dựa trên ý niệm lỗi nhiều khi không bảo đảm được một cách hiệu quả quyền lợi cho nạn nhân trong khi việc bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại là một đòi hỏi cấp thiết và chính đáng

 

Để bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ nạn nhân chống lại việc gây ra tai nạn, có quan điểm cho rằng trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp có thể phát sinh mà không cần điều kiện lỗi. Thực tế cho thấy các tai nạn mang tính khách quan nhiều khi nằm ngoài sự chi phối, điều khiển của con người ngày càng gia tăng cùng với sự phát triển của công nghiệp hóa, cơ giới hóa, đe dọa tới sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của con người. Nếu trong mọi trường hợp xảy ra thiệt hại đều buộc người bị hại dẫn chứng lỗi thì không khác gì gián tiếp bác bỏ quyền đòi bồi thường thiệt hại của nạn nhân. Vì vậy, khi có việc gây thiệt hại, người bị thiệt hại được bảo đảm bồi thường ngay cả trong trường hợp người gây thiệt hại không có lỗi. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là một trong những trường hợp đặc biệt, theo đó, trách nhiệm bồi thường phát sinh khi không cần xem xét đến điều kiện lỗi. Khoản 3 Điều 623 Bộ luật dân sự quy định “Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi”. Quy định này trên thực tế hiện nay dẫn đến ba cách hiểu khác nhau.

 

Quan điểm thứ nhất căn cứ vào nguyên nhân gây ra thiệt hại, theo đó, nếu thiệt hại có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ thì áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra bất kể có lỗi hay không có lỗi của người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. Như vậy, những thiệt hại do phương tiện giao thông, công trình, thú dữ, do sử dụng vũ khí, chất nổ, chất cháy, điện… gây ra đều được áp dụng trách nhiệm bồi thường do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Trường hợp thiệt hại do hành vi của con người, không liên quan đến các loại nguồn nguy hiểm cao độ thì áp dụng nguyên tắc chung của trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Việc xác định trách nhiệm theo quan điểm này có ưu điểm bảo vệ được quyền lợi cho nạn nhân nhưng lại có khuynh hướng đè nặng trách nhiệm cho người sở hữu, người chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ, bởi lẽ có nhiều trường hợp thiệt hại xảy ra là do hành vi trái pháp luật, do lỗi của người khác. Ví dụ: Do có mối thù với A, B đã bí mật tháo phanh xe ô tô của A với mục đích gây tai nạn cho A. Khi A đang lái xe trên đường, do xe mất phanh nên A gây tai nạn cho C là người đang tham gia giao thông. Trong trường hợp này, A là chủ sở hữu đồng thời là người đang chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ nên theo quan điểm trên, A có trách nhiệm bồi thường. Cách xác định trách nhiệm bồi thường như vậy là không hợp lý và xác định không chính xác người phải gánh chịu trách nhiệm bồi thường.

 

Quan điểm thứ hai cho rằng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là loại trách nhiệm hoàn toàn loại trừ yếu tố lỗi của người sở hữu, người chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ. Nếu thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra nhưng có một phần lỗi của người đang trông giữ, vận hành, quản lý nguồn nguy hiểm cao độ thì áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung. Nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn không có lỗi của con người thì mới áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Trên thực tế rất khó xác định thiệt hại xảy ra hoàn toàn không có lỗi của con người và như vậy, dường như quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra khó có thể áp dụng trên thực tế.

 

Quan điểm thứ ba theo hướng dung hòa hai quan điểm trên. Nếu như các trường hợp bồi thường thiệt hại thông thường dựa trên sự suy đoán lỗi thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra dựa trên sự suy đoán trách nhiệm đối với người có nghĩa vụ quản lý nguồn nguy hiểm cao độ. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra chỉ được áp dụng khi hoạt động gây thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ nằm ngoài khả năng kiểm soát, điều khiển của người chiếm hữu, vận hành và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại. Nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của con người trong việc trông giữ, bảo quản, vận hành nguồn nguy hiểm cao độ thì không áp dụng trách nhiệm này mà sẽ áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra không loại trừ khả năng thiệt hại cũng có thể có một phần lỗi của người quản lý, trông giữ, bảo quản, vận hành nguồn nguy hiểm cao độ nhưng hành vi của người trông giữ, vận hành nguồn nguy hiểm cao độ không phải nguyên nhân có tính quyết định đến thiệt hại. Chủ sở hữu, người đang chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ không được miễn trừ trách nhiệm bồi thường kể cả trong trường hợp họ chứng minh được mình không có lỗi trong việc trông giữ, bảo quản, vận hành nguồn nguy hiểm cao độ. Chúng tôi đồng tình với quan điểm này bởi lẽ yếu tố lỗi không phải là một điều kiện tiên quyết làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Dấu hiệu quan trọng nhất để xác định trách nhiệm này là hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ chính là nguyên nhân trực tiếp, là yếu tố quyết định dẫn đến thiệt hại. Hoạt động gây thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ có thể hoàn toàn không có lỗi của con người (như xe đang chạy trên đường bất ngờ nổ lốp trước dẫn đến đổi hưởng đột ngột gây thiệt hại) hoặc cũng có thể có một phần lỗi của người quản lý, điều khiển, tuy nhiên lỗi ở đây chỉ đóng vai trò thứ yếu đối với thiệt hại (như trước khi xuống dốc, lái xe không kiểm tra lại phanh; lốp mòn nhưng chưa thay do chủ quan nghĩ rằng xe vẫn vận hành tốt…). Nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi, do hành vi của người điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ thì không áp dụng trách nhiệm này.

 

2. Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

 

Căn cứ vào khoản 2 Điều 623 Bộ luật dân sự 2005 và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra có thể được áp dụng với các chủ thể sau:

 

- Chủ sở hữu;

 

- Người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ;

 

- Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ.

 

Việc xác định ai trong số các chủ thể trên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể.

 

Điều 165 Bộ luật dân sự quy định Nguyên tắc thực hiện quyền sở hữu, theo đó “Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”. Khi có thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trước tiên người ta nghĩ đến nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc tôn trọng và bảo vệ lợi ích chung, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, vì vậy, trách nhiệm bồi thường trước hết được đặt ra cho chủ sở hữu, trừ trường hợp chủ sở hữu chứng minh được trách nhiệm thuộc về người khác. Chúng ta có thể xem xét các trường hợp sau:

 

- Chủ sở hữu đang trực tiếp chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ.

 

Theo quy định của pháp luật, chủ sở hữu là người có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản theo ý chí của mình. Việc thực hiện quyền sở hữu của chủ sở hữu không được gây tổn hại tới lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Vì vậy, nếu nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho người khác trong trường hợp chủ sở hữu đang trực tiếp chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ.

 

- Trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ chuyển giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác chiếm hữu, sử dụng theo ý chí của chủ sở hữu

 

Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng luôn có các hình thức thể hiện khác nhau: Chủ sở hữu có thể trực tiếp chiếm hữu, sử dụng để khai thác công dụng của tài sản; chủ sở hữu cũng có thể chuyển giao quyền chiếm hữu thực tế tài sản cho người khác và cho phép người này được sử dụng tài sản của mình (cho thuê, cho mượn, chuyển giao theo nghĩa vụ lao động…). Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ được chuyển giao cho người khác theo ý chí của chủ sở hữu, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ vẫn có quyền kiểm soát về mặt pháp lý (chiếm hữu pháp lý) đối với tài sản. Khi cho thuê, cho mượn hay chuyển giao nguồn nguy hiểm cao độ theo nghĩa vụ lao động, mặc dù chủ sở hữu không trực tiếp khai thác công dụng của tài sản nhưng đó cũng là một hình thức chủ sở hữu thực hiện quyền sử dụng tài sản, cụ thể là khai thác lợi ích kinh tế từ tài sản. Bộ luật dân sự 2005 quy định “nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sư dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Tuy nhiên, nếu cho rằng khi chủ sở hữu đã chuyển giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác là chủ sở hữu hoàn toàn hết trách nhiệm, trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ là không hợp lý. Quy định của Bộ luật dân sự 2005 hiện nay hoàn toàn chưa phân định rõ ràng về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong các trường hợp khác nhau. Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mặc dù đã đưa ra được một số ví dụ cụ thể mang tính chất hướng dẫn về vấn đề này nhưng lại chưa đưa ra được các quy định mang tính chất khái quát chung.

 

Theo chúng tôi, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ có thể chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản thông qua hai hình thức sau:

 

+ Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ chuyển giao nguồn nguy hiểm cao độ theo nghĩa vụ lao động. Trong trường hợp này, người được chuyển giao nguồn nguy hiểm cao độ là những người làm công, ăn lương, được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ để thực hiện nhiệm vụ mà người chủ lao động giao cho. Giữa chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ và người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có mối quan hệ lao động, được xác lập qua tuyển dụng hoặc ký kết hợp đồng lao động. Mặc dù người lao động là người đang thực tế chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ nhưng hoàn toàn dưới sự quản lý, điều hành của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ và vì lợi ích của chủ sở hữu nên phải coi đây giống như trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đang trực tiếp chiếm hữu, sử dụng, theo đó, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm khi tài sản của mình gây thiệt hại cho người khác.

 

Tuy nhiên cũng cần lưu ý một số trường hợp biệt lệ sau:

 

Thứ nhất:Người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo nghĩa vụ lao động nhưng thiệt hại xảy ra không phải trong lúc người đó thực hiện nhiệm vụ mà người sử dụng lao động giao cho thì ai sẽ bồi thường. Ví dụ: Anh A là lái xe theo hợp đồng của Công ty X, có nhiệm vụ đưa giám đốc đi họp hội nghị. Trong lúc chờ giám đốc họp, A tranh thủ lái xe đi chơi thăm bạn bè. Xe bị mất lái trong lúc A điều khiển xe đi chơi dẫn đến gây thiệt hại. Theo chúng tôi, trong trường hợp này, thiệt hại xảy ra không phải trong lúc A đang thực hiện nghĩa vụ lao động vì lợi ích của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ. Vì vậy, A là người đang thực tế chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải chịu trách nhiệm bồi thường.

 

Thứ hai:Giữa người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận người lao động phải chịu mọi trách nhiệm khi nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại. Ví dụ: B là lái xe Taxi của Công ty X. B đóng cổ phần vào Công ty X 20 000 000 (hai mươi triệu) và được giao 1 xe Taxi. Giữa B và Công ty có ký thỏa thuận B phải chịu mọi trách nhiệm khi xe của mình gây thiệt hại. Thỏa thuận này theo chúng tôi là không trái pháp luật, đạo đức xã hội, cũng như không nhằm trốn tránh việc bồi thường. Theo quy định pháp luật hiện nay, vấn đề gánh chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp các bên có thỏa thuận sẽ căn cứ vào thỏa thuận tự nguyện giữa các bên. Tuy nhiên, theo chúng tôi, nếu buộc người bị thiệt hại đòi người lái xe phải bồi thường trong trường hợp tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là tương đối khó khăn. Mặt khác, ô tô thuộc sở hữu của công ty và Công ty có trách nhiệm bảo đảm an toàn tài sản thuộc sở hữu, quản lý của mình. Người lái xe chỉ là người đang thực hiện một hoạt động của công ty, mang lại lợi nhuận cho công ty, dưới sự giám sát, điều hành của công ty. Chúng tôi cho rằng trong trường hợp này, để bảo đảm được lợi ích cho người bị thiệt hại, bảo đảm thiệt hại được bồi thường nhanh chóng, cần xác định công ty phải bồi thường với tư cách chủ sở hữu. Còn thỏa thuận giữa lái xe và công ty là thỏa thuận bên trong nhằm đề cao trách nhiệm của người lái xe, đồng thời là cơ sở pháp lý để công ty yêu cầu lái xe thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn.

 

Trên thực tế hiện nay có nhiều hãng Taxi hoạt động theo phương thức người có xe có thể đăng ký tham gia vào hãng, hàng tháng đóng một khoản tiền để được sử dụng bộ đàm, logo của hãng, được điều hành đón khách, còn mọi chi phí, trách nhiệm liên quan đến xe cũng như lợi nhuận thu được họ được hưởng. Trong trường hợp này người lái xe là chủ sở hữu, đồng thời trực tiếp khai thác, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ nên theo chúng tôi, họ tự chịu trách nhiệm là hoàn toàn hợp lý.

 

+ Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ được chuyển giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng theo một giao dịch dân sự.

 

Chủ sở hữu có thể chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cho chủ thể khác thông qua hợp đồng: mượn, thuê, cầm cố, gửi giữ… tài sản hoặc ủy quyền cho người khác quản lý tài sản của mình. Đây là những hợp đồng dân sự được xác lập trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận, vì vậy sự cam kết thỏa thuận được coi như pháp luật đối với các bên. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trước tiên căn cứ vào sự thỏa thuận đó. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận ai phải chịu trách nhiệm bồi thường thì áp dụng nguyên tắc chung của pháp luật. Bên mượn, thuê, nhận cầm cố, nhận gửi giữ, được ủy quyền quản lý tài sản là những người chiếm hữu, sử dụng tài sản có căn cứ pháp luật, vì vậy họ có các quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định, trong đó có nghĩa vụ trông coi, quản lý nguồn nguy hiểm cao độ, không để tài sản mình quản lý gây thiệt hại cho người khác. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại khi đang thuộc quyền chiếm hữu, quản lý của họ, họ bị coi là có lỗi trong việc quản lý, sử dụng và phải chịu trách nhiệm bồi thường.

 

- Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật, Bộ luật dân sự 2005 phân định thành 2 trường hợp.

 

+ Nếu chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ hoàn toàn không có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Chủ sở hữu, người chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ sẽ được giải trừ khỏi trách nhiệm bồi thường nếu họ chứng minh được đã tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ trong việc bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật.

 

+ Trường hợp chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường cùng người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật.

 

- Ngoài những trường hợp pháp luật quy định, trên thực tế có trường hợp chủ sở hữu bắt buộc phải chuyển giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác theo quy định của pháp luật, ví dụ: người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước trưng dụng tài sản của các cá nhân, tổ chức khi cần thiết để bảo vệ lợi ích chung; hoặc tạm thu giữ tài sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền… Trong những trường hợp này, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ bắt buộc chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo chúng tôi, pháp luật nên quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng được chuyển giao cho cơ quan nhà nước đó.

 

- Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ trong tự nhiên gây thiệt hại thì ai có trách nhiệm bồi thường: ví dụ thú dữ trong rừng tấn công gây thiệt hại cho người đi rừng? Theo quy định hiện nay, những tài sản như vậy là một loại tài nguyên thiên nhiên và là tài sản thuộc sở hữu nhà nươc, thuộc sự quản lý của bộ, ngành có liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có văn bản nào quy định cơ quan quản lý Nhà nước phải bồi thường và vì vậy, không ai phải chịu trách nhiệm bồi thường trong những trường hợp này.

 

3. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

 

Mặc dù Bộ luật dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành bộ luật này (như Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP) đều dành ra những quy định riêng về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, tuy nhiên vẫn còn nhiều quy định bất cập, gây ra những tranh cãi, quan điểm khác nhau trên thực tế áp dụng. Sau đây là một số quy định mà chúng tôi cho là bất cập, cần sửa đổi, hoàn thiện:

 

- Thứ nhất: Về khái niệm thế nào là nguồn nguy hiểm cao độ. Như chúng tôi đã phân tích trong mục 1.1 của chuyên đề này, khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ được quy định trong Khoản 1 Điều 623 theo hướng liệt kê, vì vậy không đầy đủ, thậm chí không thống nhất với các quy định trong các văn bản pháp luật khác. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị không nên định nghĩa nguồn nguy hiểm cao độ theo hướng liệt kê mà chỉ cần xác định tiêu chí chung để được coi là nguồn nguy hiểm cao độ.

 

- Thứ hai: Về điều kiện áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Hiện nay chưa có quy định nào phân định cụ thể: khi nào áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung và khi nào áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra dẫn đến có những cách hiểu và áp dụng không thống nhất trên thực tế. Thực tiễn cho thấy khi xét xử, nhiều trường hợp cứ thấy thiệt hại có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ là áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, bất kể nguyên nhân gây thiệt hại là do con người hay do tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Thậm chí, Nghị quyết 03/2006 còn đưa ra ví dụ để hướng dẫn cho trường hợp chủ sở hữu, người chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ không phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp: “Xe ô tô đang tham gia giao thông theo đúng quy định của pháp luật thì bất ngờ có người lao vào xe để tự tử và hậu quả là người này bị thương hoặc bị chết”. Ví dụ này có thể dẫn đến cách hiểu loại trừ trường hợp người bị thiệt hại cố ý lao vào xe ô tô tự tử thì mọi thiệt hại do xe ô tô gây ra đều áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Như chúng tôi đã phân tích trong mục 1.1, cách hiểu như vậy rõ ràng là không phù hợp.

 

Vì vậy, chúng tôi cho rằng, cần có quy định rõ ràng về việc trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra chỉ phát sinh khi thiệt hại là do sự tác động tự thân của nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

 

- Thứ ba: Cần phân định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp chủ sở hữu đã chuyển giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác chiếm hữu, sử dụng, cụ thể là trường hợp chuyển giao theo quan hệ lao động và chuyển giao theo quan hệ dân sự như mục 3.3 đã phân tích. Cụ thể:

 

+ Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ được chuyển giao cho người khác theo nghĩa vụ lao động: Nếu thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong quá trình người lao động quản lý, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo nhiệm vụ được giao thì trách nhiệm bồi thường thuộc về chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ. Nếu người được giao quản lý, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo nghĩa vụ lao động nhưng lại sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ vào mục đích khác không theo nhiệm vụ mà gây thiệt hại thì họ phải tự chịu trách nhiệm.

 

+ Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ được chuyển giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng theo một giao dịch dân sự. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trước tiên căn cứ vào sự thỏa thuận giữa các bên khi giao kết hợp đồng. Nếu các bên không có thỏa thuận ai phải chịu trách nhiệm bồi thường thì áp dụng nguyên tắc chung của pháp luật, bên mượn, thuê, nhận cầm cố, nhận gửi giữ, được ủy quyền quản lý tài sản là những người chiếm hữu, sử dụng tài sản có căn cứ pháp luật, vì vậy họ có nghĩa vụ trông coi, quản lý nguồn nguy hiểm cao độ, không để tài sản mình quản lý gây thiệt hại cho người khác. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại khi đang thuộc quyền chiếm hữu, quản lý của họ thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường.

 

- Thứ tư: Pháp luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với những thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ trong tự nhiên gây ra cho các chủ thể khác; Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp cơ quan Nhà nước chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ thuộc sở hữu của các cá nhân, tổ chức để phục vụ lợi ích công cộng như: trưng dụng, tạm giữ…

 


[1] Xem “Giáo trình Luật dân sự”, Tập 2, Trường Đại học Luật Hà Nội, NXB Công an nhân dân 2008 tr 308, 309

 

SOURCE: ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI “TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ DO TÀI SẢN GÂY THIỆT HẠI – VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN”,

CÁM ƠN TS. TRẦN THỊ HUỆ – CHỦ NHIỆM ĐỀ TÀI ĐÃ CHIA SẺ BÀI VIẾT

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo