LS Trần Liên

Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra.

Câu hỏi tư vấn: Kính gửi Quý Luật sư, Tôi xin được tư vấn một trường hợp về bồi thường thiệt hại như sau: - Ngày bb/xx/2017 xe máy của tôi đang trên đường vận hành gặp sự cố chết máy. Tôi đã chuyển xe đến cơ sở sửa chữa Công Ty TNHH N. Do đã hết giờ làm việc tôi được tư vấn để xe lại cơ sở để xử lý vào ngày tiếp theo. - Sáng ngày nn/nn/2017 tôi quay lại cơ sở để sửa xe, được tư vấn thay thế một số linh kiện tổng trị giá 1.200.000đ.

 

Tôi xuất trình sổ bảo hành chính hãng còn hiệu lực (3 năm từ ngày mua xe là tháng 2/2016) và hỏi tại sao trong thời gian bảo hành thay thế linh kiện nằm trong máy xe lại mất phí, kỹ thuật viên N thông báo là các linh kiện này không nằm trong danh mục thay thế miễn phí, tôi đồng ý thay thế và thanh toán chi phí 1.200.000đ. N không thực hiện ghi nhận việc sửa chữa vào sổ bảo hành chính hãng của tôi mà thực hiện cấp sổ mới của N. - Chiều ngày chiếc xe tiếp tục bị chết máy, tôi liên hệ với N để thông báo và được đề nghị quay lại garage để kiểm tra. Sáng 16/09/2017 tôi quay lại N và được tư vấn tiếp tục thay thế linh kiện. Tôi không đồng ý và phản hồi sẽ đem xe đến cơ sở bán xe để kiểm tra lại. Kỹ thuật viên N phản hồi với tôi đề nghị không xuất trình sổ bảo hành của N khi đi kiểm tra và không cung cấp thông tin xe đã thay thế linh kiện. - Nhận thấy thông tin không phù hợp, tôi đã liên hệ tổng đài hỗ trợ khách hàng của Yamaha và được thông tin Công Ty TNHH N không thuộc danh sách đại lý ủy quyền hay cơ sở bảo hành của Yamaha. Đồng thời tôi được phản hồi tất cả linh kiện đã thay thế tại cơ sở ngoài phạm vi đại lý/cơ sở ủy quyền chính thưc của Yamaha sẽ không được bảo hành theo chính sách đang duy trì (3 năm từ ngày mua xe). Kính đề nghị Quý Luật sư tư vấn giúp:

1. Trường hợp Công Ty TNHH N không thuộc danh sách đại lý ủy quyền/cơ sở bảo hành chính hãng của Yamaha nhưng sử dụng dấu hiệu nhận diện (tên nhãn hiêu, logo) của Yamaha tại biển hiệu gây nhầm lẫn cho Khách hàng có vi phạm quy định của pháp luật không?

2. Trường hợp kĩ thuật viên của N không cung cấp thông tin đúng sự thật cho tôi (không thông báo là cơ sở N không thuộc phạm vi tôi được sử dụng bảo hành) mà thực hiện thay thế linh kiện dẫn đến vô hiệu chính sách bảo hiểm của hãng xe với chiếc xe của tôi, phát sinh thiệt hại hiện tại là 1.200.000đ và có thể phát sinh thêm trong quá trình sử dụng xe (còn hơn 1 năm bảo hành và hiện tại kĩ thuật viên N đang yêu cầu tôi tiếp tục thay thế linh kiện), trường hợp xấu nhất chiếc xe có lỗi trong quá trình sản xuất tôi sẽ không thể khiếu nại hãng xe vì máy móc của xe không còn nguyên bản, đã bị thay thế, sửa chữa. như vậy: - Hành vi của kĩ thuật viên của N có vi phạm quy định của pháp luật không? Nếu vi phạm chế tài xử lý như thế nào? Tôi có thể khiếu nại đến cơ quan nào để được xử lý? - Công Ty TNHH N có chịu trách nhiệm liên đới nào trong trường hợp kĩ thuật viên cố tình tư vấn sai sự thật dẫn đến các thiệt hại của tôi hay không? Rất mong sớm nhận được tư vấn của Quý Luật sư, tôi xin trân trọng cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của bạn được tư vấn như sau:

 

Khoản 3 Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định nguyên tắc thiện chí, trung thực: 

 

 3. Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.

 

Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự:

 

“ 1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

 

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

 

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

 

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”

 

Chiếu theo quy định trên, mặc dù không thuộc danh sách cơ sở bảo hành chính hãng của YAMAHA nhưng công ty TNHH trên sử dụng logo gây nhầm lẫn, biển hiệu, quảng cáo bảo hành nhằm lừa dối khách hàng là hành vi trái quy định của pháp luật; đi ngược với nguyên tắc cơ bản trong giao dịch dân sự là nguyên tắc thiện chí, trung thực.

 

Trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi gây nhầm lẫn, không trung thực khi giao kết giao dịch dân sự là căn cứ tuyên vô hiệu giao dịch trên, bên nào gây thiệt hại thì buộc phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

 

Ngoài ra, tùy tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi, thiệt hại thực tế do hành vi gây nên mà những cá nhân thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Khoản 5 Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự: "5. Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự."

 

Điều 127 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép:

 

“ Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

 

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

 

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.”

 

Điều 131 BLDS 2015 quy định hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu:

 

“ 1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

 

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

 

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

 

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

 

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

 

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.”

 

Như phân tích trên, nếu có đủ căn cứ chứng minh có hành vi gian dối trong quá trình giao kết hợp đồng dân sự thì bạn có quyền yêu cầu TAND quận, huyện nơi đơn vị đóng trụ sở tuyên vô hiệu hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác như tự nguyện chấm dứt thực hiện hợp đồng, bồi thường thiệt hại cho nhau.

 

Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên từ thời điểm xác lập. Bạn có quyền yêu cầu bên vi phạm hoàn lại toàn bộ số tiền, trường hợp trên có thiệt hại thì bạn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Căn cứ tại Điều 600 BLDS, công ty TNHH N có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại trên.

 

Điều 600 BLDS 2015 quy định Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra:

 

“Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.” 

 

Ngoài ra, nếu có căn cứ một người hoặc một nhóm người thực hiện hành vi gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của bạn thì bạn có quyền gửi đơn tới Cơ quan công an để tố giác tội phạm.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra.. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV. Trần Liên - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo