Luật sư Trần Khánh Thương

Bồi thường khi gây tai nạn giao thông nhưng không ai chứng kiến

Chào luật sư. Tôi có trường hợp muốn hỏi luật sư như sau: vợ tôi đi xe gắn máy, trên đúng làn đường dành cho xe thô sơ và xe gắn máy trên cầu vĩnh tuy- hà nội. Sau đó không may có va chạm nhẹ vào đuôi một xe đạp của một ông già đi phía trước. Ông già đó ngã ra, vợ tôi đã dừng lại gọi xe cấp cứu đưa vào bệnh viện.

 

Ông già đó yêu cầu đưa vào bệnh viện việt xô vì ông có bảo hiểm y tế ở đó hưởng 100%. Vụ va quệt không có biên bản, không gọi csgt đến làm việc. Khi ở bệnh viện vợ tôi đưa ông già  đó đi chụp chiếu, kết quả là gẫy 1 đốt xương trong lòng bàn tay, còn đâu không sao nữa. Bác sĩ bảo chỉ cần bó bột khoảng 1 tháng là khỏi vì ông già có bảo hiểm 100% lên bác sĩ bảo ở lại theo dõi thêm cũng được và điều trị bệnh phổi của ông già đó ( bệnh phổi là bệnh từ đầu). Sau đó Người nhà ông già này tới yêu cầu vợ tôi đưa chứng minh nhân dân, và vợ tôi đã đưa bản photocopy.  Khoảng 1 tuần đầu vợ tôi có đến thăm hỏi ở viện, vì sau đó 1 tuần có việc lên k tới nữa, hôm trước khi ra viện vợ tôi có đến chơi và bảo biếu ông 1tr có gì ông bỏ qua vì k may va quệt là điều k ai mong muốn. Ông già đó đồng ý. Hôm vợ tôi bồi thường k có lập biên bản, chỉ đưa xong là về. Hôm sau ông già đó gọi điện thoại cho vợ tôi đòi vợ tôi bồi thường thêm 10tr nữa. Vợ tôi không đồng ý, ông ta doạ đưa ra công an xử lý. Xin hỏi vợ tôi nếu không đồng ý tiếp tục bồi thường có sao không? Thứ 2: vì không có biên bản, không có người làm chứng xác định lỗi về bên nào vợ tôi có quyền từ chối bồi thường ngay từ đầu được không.? Thứ 3: nếu mang nhau ra toà về bồi thường chưa xác định được lỗi từ bên nào, thì có cách nào để tránh phải bồi thường cho ông già đó không.? Thứ 4: nếu bắt buộc phải bồi thường ông già đó có phải chứng minh thiệt hại do tai nạn gây ra không.?  Mong luật sư tư vấn giúp.

 

Trả lời: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của anh, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về trách nhiệm bồi thường khi gây tai nạn giao thông

 

Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

 

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

 

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

 

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

 

Để xác định trách nhiệm bồi thường, người khởi kiện cần chứng minh được hai vấn đề:

 

- Có hành vi vi phạm xảy ra.

 

- Có thiệt hại trên thực tế.

 

Nếu vợ bạn có lỗi khi điều khiển phương tiện và gây tai nạn giao thông và làm người khác bị thương thì phải có trách nhiệm bồi thường, tuy nhiên việc xác định lỗi trong trường hợp này sẽ do phía cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nếu không có biên bản hiện trường thì có thể dựa vào lời khai của hai bên và lời khai của những người làm chứng khác có mặt tại hiện trường…Nếu ông cụ có lỗi hoàn toàn thì vợ của anh không phải bồi thường, nếu cả hai bên cùng có lỗi thì vợ bạn chỉ phải bồi thường với phần thiệt hại tương ứng với lỗi của mình gây ra. Trường  hợp cả hai bên không có lỗi mà tai nạn xảy ra do sự kiện bất khả kháng thì sẽ không phải bồi thường, nếu hai bên cùng không có lỗi và tai nạn xảy ra là do xe máy bị hư hỏng khi đang lưu thông trên đường thì sẽ do chủ sở hữu hoặc người đang quản lý xe phải bồi thường.

 

Ngoài trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì hành vi có lỗi trong việc điều khiển phương tiện giao thông tùy theo tính chất của vụ việc còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính (Nghị định 46/2016/NĐ-CP) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017).

 

Thứ hai, về mức nhiệm bồi thường thiệt hại

 

Mức bồi thường thiệt hại trước tiên sẽ do hai bên thoả thuận, nếu không thoả thuận được thì có thể khởi kiện ra Toà án để yêu cầu bồi thường. Khi xác định mức bồi thường thì Tòa án sẽ căn cứ theo quy định của pháp luật về bồi thường để giải quyết, cụ thể Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

 

“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

 

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

 

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

 

Để yêu cầu bồi thường, người bị thiệt hại cần đưa ra các tài liệu (hoá đơn, thang bảng lương,...) chứng minh thiệt hại thực tế xảy ra làm căn cứ xác định mức bồi thường. Trường hợp có trách nhiệm bồi thường thì anh chị có thể cân nhắc về việc thoả thuận bồi thường cho người bị thiệt hại. Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Bồi thường khi gây tai nạn giao thông nhưng không ai chứng kiến. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Luật gia: Khánh Thương - Công ty Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo