Nguyễn Kim Quý

Nhân phẩm là gì? Bôi nhọ nhân phẩm người khác xử phạt thế nào?

Hiện nay, vấn đề bịa đặt, xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác đang trở nên phổ biến và gây ra nhiều hệ lụy nặng nề, ảnh hưởng lớn đối với nhân phẩm con người nói riêng và toàn xã hội nói chung. Vậy nhân phẩm là gì? Bôi nhọ nhân phẩm người khác xử phạt như thế nào? Luật Minh Gia sẽ giải đáp những thắc mắc trên thông qua bài viết dưới đây:

1. Nhân phẩm là gì?

Nhân phẩm là toàn bộ phẩm chất mà mỗi con người có được hay nói cách khác thì đó chính là giá trị làm người của mỗi người. Nhân phẩm là phẩm chất, giá trị của mỗi con người và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có nhân phẩm tốt sẽ luôn được mọi người và xã hội coi trọng.

Những người có nhân phẩm tốt luôn được đánh giá cao trong xã hội bởi vì họ là những người có đạo đức, nhận thức được những việc làm của mình đâu là việc làm đúng, đâu là việc làm sai để từ đó sẽ có định hướng sửa đổi. Từ đó sẽ phát huy được tính tích cực trong cuộc sống của mỗi người, góp phần xây dựng xã hội ngày càng phát triển và tiến bộ. Vì vậy những người có nhân phẩm tốt. có tâm thường được rất nhiều người yêu quý và kính trọng và họ luôn nhận được sự giúp đỡ của những người khác khi gặp phải khó khăn.

2. Bôi nhọ nhân phẩm là gì? Bôi nhọ nhân phẩm người khác xử phạt thế nào?

Hiện nay, không có quy định cụ thể về khái niệm bôi nhọ nhân phẩm người khác. Tuy nhiên, có thể hiểu bôi nhọ nhân phẩm là hành vi truyền bá thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Hiến pháp Việt Nam quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về danh dự và nhân phẩm. Bên cạnh đó, pháp luật dân sự cũng quy định cá nhân có quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình, cụ thể tại Điều 34 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:

“Điều 34. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín

1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Theo đó, bôi nhọ nhân phẩm của người khác là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào mức độ vụ việc mà có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại theo dân sự hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tình huống dưới đây sẽ giúp bạn đọc phần nào nhận biết được các loại chế tài xử lý đối với trường hợp bôi nhọ nhân phẩm người khác. Mời bạn đọc tham khảo:

Nội dung tư vấn: Hiện tại gia đình em có vay nợ bên ngân hàng, mỗi tháng vẫn đóng tiền đều đều, nhưng từ khi tháng 8/2018 thì bị trễ hẹn do gặp khó khăn và xin góp nhẹ lại nhưng bên nhân viên ngân hàng gọi điện thoại liên tục kèm theo những lời nói thô tục, xúc phạm, sau đó là những tin nhắn đe doạ làm cho cha và mẹ em hoang mang, vì quá bức xúc nên không đóng nữa, đến khoảng tháng 1/2022 thì trên mạng xã hội có xuất hiện những hình ảnh công khai nói là "cảnh báo đối tượng cấu kết làm hồ sơ giả, lừa đảo chiếm đoạt tài sản" kèm theo những tấm ảnh chân dung của mọi người trong gia đình em. Đến nay vào ngày 18/6/2022 lại thêm 1 tài khoản tiếp tục đăng những hình ảnh tương tự như trên lên mạng xã hội. Thực tế gia đình em vẫn ở nơi thường trú và không rời khỏi địa phương. Cho em hỏi như vậy thì có bị vi phạm về bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, làm mất uy tín ko ạ.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Gia đình bạn có vay tiền của ngân hàng nên ngân hàng có quyền đòi lại số tài sản này khi đến hạn thanh toán, tuy nhiên hành vi của người nhân viên ngân hàng đã xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự, uy tín của gia đình bạn, thậm chí còn bịa đặt những thông tin sai sự thật.

- Trách nhiệm hình sự:

Điều 156 BLHS 2015 sử đổi, bổ sung 2017 quy định như sau:

Điều 156. Tội vu khống

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

…”

Nhân phẩm, danh dự của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ nên việc nhân viên ngân hàng gọi điện kèm theo những lời nói thô tục, xúc phạm và những tin nhắn đe dọa đến bố mẹ bạn là hành vi xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của bố mẹ bạn. Việc người nhân viên này còn tự ý sử dụng hình ảnh của gia đình bạn mà không có sự đồng ý của gia đình bạn đồng thời bịa đặt và loan truyền những thông tin mà người này biết là sai sự thật trên mạng xã hội gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bạn là những hành vi trái quy định của pháp luật. Bạn có quyền yêu cầu những người này chấm dứt ngay hành vi đó hoặc trình báo cơ quan Công an để được can thiệp kịp thời. Nếu hành vi này gây ra hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại tới nhân phẩm, danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bạn hoặc người này chưa gây thiệt hại nghiêm trọng nhưng đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi này thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 156 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

- Xử phạt hành chính:

Trường hợp người nhân viên đó chưa gây hậu quả nghiêm trọng cũng như chưa từng bị xử phạt về hành vi này thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy đình tại điểm a,b Khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể quy định như sau:

Điều 7. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định này;

b) Tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định này, người nào có cử chỉ, lời nói xúc phạm nhân phẩm của người khác sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Do đó, hành vi bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người nhân viên ngân hàng này đối với gia đình bạn có thể bị  phạt tiền lên đến 3.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, khoản 14 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP còn quy định một số biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể như sau:

14. Biện pháp khắc phục hậu quả:

c) Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3, các điểm d và đ khoản 5 Điều này trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu

Như vậy, ngoài hình thức phạt tiền, người nhân viên ngân hàng thực hiện hành vi bôi nhọ nhân phẩm gia đình bạn còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc xin lỗi công khai gia đình bạn, trừ trường hợp gia đình có đơn không yêu cầu.

- Trách nhiệm dân sự:

Ngoài ra, gia đình bạn còn có quyền yêu cầu người này phải bồi thường một khoản tiền bồi thường để bù đắp những tổn thất về tinh thần do hành vi này gây ra theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Như vậy vì người nhân viên ngân hàng đã có hành vi trái với quy định của pháp luật, xâm phạm đến những quan hệ được pháp luật bảo vệ nên người này sẽ phải chịu trác nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. Bạn có thể trình báo cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết, đồng thời yêu cầu người đó phải bồi thường cho gia đình mình một khoản tiền theo quy định của Bộ luật Dân sự nếu có thiệt hại về nhân phẩm, danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp trên thực tế, bạn cũng có quyền yêu cầu người này chấm dứt việc bôi nhọ nhân phẩm, danh dự, cải chính thông tin và xin lỗi công khai gia đình bạn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo