LS Vy Huyền

Bố quốc tịch nước ngoài, muốn bổ sung tên vào giấy khai sinh của con giải quyết như thế nào?

Luật sư tư vấn về vấn đề: Vợ chồng chưa đăng ký kết hôn sinh con chỉ có tên mẹ trên giấy khai sinh của con, giờ người bố có quốc tịch nước ngoài làm như thế nào để ghi tên bố bổ sung vào trong giấy khai sinh của con. Thủ tục bổ sung tên cha trong giấy khai sinh như thế nào? Giải quyết các vấn đề có liên quan.

 

Nội dung tư vấn: Kính gởi Đoàn Luật Sư Luật minh gia trước tiên tôi xin chúc sức khoẻ đến toàn thể các thành viên trong đoàn Luật Minh Gia một lời chúc sức khoẻ. và tìm tài liệu cũng như tham khảo nhưng vẫn chưa nắm hết được pháp luật Hộ Tịch của bộ luật Hôn Nhân dân sự nay tôi Kính gởi đên đoàn luật sư Minh Gia tư vấn thêm giúp tôi. chuyện là năm 2010 tôi có về thăm Quê Hương và có đám cưới với vợ tôi hiện tại như vì lý do hoàn cảnh nên tôi chưa đăng ký kết hôn với vợ tôi đên năm 2014 thì vợ tôi sanh em bé nay được 4 tuổi trong thời gian đó vợ tôi có ra đăng ký giấy Khai Sanh cho cháu như bộ tư pháp yêu cầu giấy kết hôn như vợ chồng tôi ko có nên vì thế ko thể bỏ tên tôi là cha vào giấy khai danh cho cháu được hiện nay trên pháp lý giấy khai sanh của cháu chỉ có tên mẹ còn phần tên cha để trống nay tôi muốn nhận lại con và sửa lại giấy khai sanh cho cháu và bổ sung tên cha vào được không thưa luật sư? Vì trước khi bé sanh ở Việt Nam tôi lại là người Quốc Tịch nước ngoài vì thế tôi cũng không âm hiểu lắm về luật hôn nhân dân sự.

Xin hỏi luật sư là các thủ tục bổ sung tên cha vào giấy khai sanh cho cháu như thế nào và mất bao nhiêu thời gian vì hiện giờ tôi đang định cư ở nước ngoài trong thời gian sửa lại giấy khai sanh cho cháu tôi có cần phải về lại Việt nam hay không và có cần Mẹ cháu viết giấy uỷ quyền hay không thưa luật sư? rất mong đoàn luật sư hiểu hoàn cành gia đình tôi và tư vấn giúp tôi để tôi sửa lại giấy khai sanh cho cháu và đón cháu ra nước ngoài cho kịp đi học Xin Trân Trọng cảm ơn 

 

Trả lời tư vấn:  Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia! Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Về việc xác nhận quan hệ cha con theo quy định pháp luật:

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 44 về Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con của Luật hộ tịch năm 2014 như sau :

 

1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp đăng ký cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau thì người nước ngoài phải nộp bản sao hộ chiếu và giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh nhân thân,

 

2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, công chức làm công tác hộ tịch xác minh, niêm yết việc nhận cha, mẹ, con tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời gian 07 ngày liên tục, đồng thời gửi văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận là cha, mẹ, con niêm yết trong thời gian 07 ngày liên tục tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.

 

3. Phòng Tư pháp báo cáo và đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc đăng ký nhận cha, mẹ, con, nếu thấy đủ điều kiện thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.

 

4. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt; công chức làm công tác hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng các bên ký vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục cho các bên.

 

Và Điều 11 về Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con của Thông tư 15/2015/TT-BTP như sau: 

 

Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

 

1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

 

2. Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.

 

Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm giải thích rõ trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.

 

Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này hoặc hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.

 

Như vậy, đối chiếu quy định trên với trường hợp của bạn thì để đứng tên cha trên giấy khai sinh của con thì trước tiên cần làm thủ tục cha nhận con. Hồ sơ đăng ký nhận cha cho con gồm:

 

- Tờ khai xin nhận cha cho con.

 

-  Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân

 

- Trích lục khai sinh của người được nhận là con;

 

- Giấy tờ, tài liệu hoặc chứng cứ để chứng minh quan hệ cha con (kết quả giám định ADN, Thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác ​...)

 

Trong bộ hồ sơ, hộ chiếu của cha là người nước ngoài phải được dịch và công chứng (hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ). 

 

(Sau khi nộp đầy đủ hồ sơ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, công chức làm công tác hộ tịch xác minh, niêm yết việc nhận cha, mẹ, con tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời gian 07 ngày liên tục, đồng thời gửi văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận là cha, mẹ, con niêm yết trong thời gian 07 ngày liên tục tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.)

 

Về thủ tục bổ sung giấy khai sinh:

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 29 về Thủ tục bổ sung hộ tịch của Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13 như sau:

 

1. Người yêu cầu bổ sung hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

 

2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy yêu cầu bổ sung hộ tịch là đúng, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung bổ sung vào mục tương ứng trong Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

 

Trường hợp bổ sung hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung bổ sung vào mục tương ứng và đóng dấu vào nội dung bổ sung.

 

Đối với trường hợp này của bạn, để bổ sung tên cha vào giấy khai sinh của con. Sau khi hoàn tất thủ tục nhận con tại cơ quan có thẩm quyền xong, bạn tiếp tục hoàn tất hủ tục bổ sung nội dung hộ tịch trên Giấy khai sinh của con. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ, nếu thấy yêu cầu bổ sung hộ tịch là đúng, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung bổ sung vào mục tương ứng trong Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu. Và trong trường hợp phải xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 03 ngày làm việc.  Sau khi thực hiện đầy đủ thủ tục, công chứng tư pháp sẽ ghi nội dung bổ sung là bạn trở thành cha đứa trẻ. Lúc đó,Giấy khai sinh thể hiện quan hệ là cha con. Hai bên sẽ có các quyền và nghĩa vụ là cha ruột, con ruột theo quy định của pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Vi Thị Huyền- Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo