Hoàng Tuấn Anh

Bố có hành vi bạo lực gia đình con có quyền khởi kiện không?

Thưa luật sư cháu tên A 17 tuổi, cho cháu hỏi về hành vi bạo hành gia đình của cha như sau: Hiện tại gia đình cháu có 5 người vì bố cháu suốt ngày say xỉn chửi đánh vợ con giờ 4 me con cháu đang tính kiện bố cháu không biết sẽ bất lợi hay có lợi.

Chi tiết lỗi bố em:

- Bạo lực gia đình dạo này cứ 2 ngày là bố cháu say xỉn về nhà chửi mẹ con cháu nhiều lúc đánh mẹ và chị cháu nữa.

- Không làm tròn bổn phận nguời cha. Từ lớp 8 tới giờ bố cháu chưa từng họp phụ huynh cho cháu. Bữa cháu ngồi xe tung con chó và té trầy sướt và làm xe trầy bố cháu không những không trở cháu đi bệnh viện mà còn chửi cháu về tới nhà ổng đang ăn cơm cầm chén chọi cháu may cháu né kịp.

- Xúc phạm danh dự nhân phẩm và thân thể người khác: dạo này khi xay xỉn về là chửi mẹ cháu ngoại tình, dâm phụ,dâmtặc...chửi rất nặng trong khi mẹ cháu không hề làm gì có lỗi với gia đình. Nhiều lần bố cháu bóp cổ cháu tát chị cháu đánh mẹ cháu.

- Ngoại tình dạo này bố cháu có dấu hiệu ngoài tình nên cố ý vu khống cho mẹ cháu.

+ Ngoài ra còn rất nhiều lỗi như: tệ nạn xã hội bia rượu,chửi phá hàng xóm nên ai cũng ghét...

Các luật sư cho cháu hỏi nếu cả 4 người nhà cháu kiện cha cháu kết quả có lợi như thế nào ạ. Nhà cháu có 1 ngôi nhà ở ngoài ấp 1 chòi xây ở rẫy, 1 vườn bưởi tầm 7 xào, 1 vườn chôm chôm 8 xào, 6 xào ruộng. 3 chiếc xe... Nếu kiện tài sản sẻ chia ra sao liệu chị em và mẹ cháu có được toàn bộ nhà ngoài ấp không. Và ai sẽ phải ra đi. Con cái theo ai ? Cháu cảm ơn các luật sư nhiều !

1. Tư vấn về việc con có quyền khởi kiện hành vi bạo lực gia đình của cha

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Quy định về hành vi bạo lực gia đình

Theo quy định tại Điều 2 luật phòng, chống bạo lực gia đình về các hành vi bạo lực gia đình thì:

“1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

...”

“Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình

1. Nạn nhân bạo lực gia đình có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;

b) Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;

c) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;

d) Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;

đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Nạn nhân bạo lực gia đình có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu.”

“Điều 42. Xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình

1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của khoản 1 Điều này thì bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục.

3. Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.”

Do đó trong trường hợp này bạn hoặc anh chị em và mẹ bạn có quyền kiện bố bạn về hành vi bao lực gia đình và bố bạn sẽ có thể bị xử lí hành chính, kỉ luật hoặc hình sự theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này khởi kiện nếu bạn có những bằng chứng để chứng minh về hành vi của bố bạn thì sẽ thuận lợi hơn và đó cũng chính là căn cứ để khởi kiện.

Về tài sản nếu có tranh chấp khi giải quyết vấn đề bạo lực gia đình

Theo như thông tin bạn đưa ra thì bố bạn có hành vi bạo lực gia đình, chúng tôi không rõ yêu cầu của bạn là chỉ muốn khởi kiện hay mẹ bạn có muốn li hôn hay không nếu có yêu cầu li hôn thì tài sản và con cái sẽ được giải quyết theo luật hôn nhân và gia đình như sau:

“Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Áp dụng các quy định trên trong trường hợp này nếu bố mẹ bạn không có thỏa thuận thì tài sản sẽ được chia theo quy định nêu trên có tính đến công sức đóng góp của mỗi người, lợi ích của con cái, tài sản riêng của ai thì vẫn của người đó. Việc mẹ con bạn có được toàn bộ ngôi nhà hay không còn phụ thuộc vào nguồn gôc của ngôi nhà có trước hay sau hôn nhân, nếu là tài sản chung của bố mẹ bạn sau hôn nhân thì còn phụ thuộc vào công sức đóng góp của mỗi người vào việc xây dựng nhà…

Ngoài ra về con cái nếu không thỏa thuận được thì tòa án sẽ xem xét để giải quyết, trong trường hợp này nếu bố bạn có những hành vi bao lực gia đình thì có thể con cái sẽ được giao cho người mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng. Nếu tất cả các con trên 7 tuổi thì còn có thể theo nguyện vọng của con, con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho mẹ nếu mẹ bạn chứng minh được điều kiện kinh tế và các điều kiện về tinh thần để giành quyền nuôi dưỡng con.

--

2. Hỏi đáp về vấn đề khởi kiện khi bố có hành vi bạo lực gia đình

Câu hỏi:

Cháu năm nay 19 tuổi và đang học đại học chính quy. Nay cháu có thắc mắc muốn hỏi Luật sư Minh Gia. Bố mẹ cháu kết hôn năm 1995 và đang chung sống đến giờ. Từ năm 2005 gia đình cháu bắt đầu có biến cố. Lần đầu tiên là năm 2005 khi bố cháu uống rượu say về đã đập điện thoại của cậu cháu mua cho và đánh mẹ cháu chảy máu miệng.

Và từ đó đến nay bố cháu hay nhậu nhẹt rượu chè và về gây gổ chửi bới, đánh đập cháu và mẹ cháu (có 1 lần mẹ cháu phải chụp X-pray để kiểm tra tổn thương đầu). Ngoài ra bố cháu còn xúc phạm rất nghiêm trọng ông bà ngoại và dòng họ mẹ cháu. Nay bố cháu còn đòi gạch tên cháu ra khỏi gia phả của bên nội sau khi xỉ vả và đánh đập đòi chém cháu và mẹ cháu. Cháu xin hỏi nếu bây giờ cháu khởi kiện bố cháu thì có được không ạ? Quy định pháp luật thế nào? Cháu xin cảm ơn và mong sớm nhận được sự trợ giúp 

Trả lời:

Chào em! Cảm ơn em đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia.

Về hành vi bạo lực gia đình và hướng xử lý

Theo thông tin em cung cấp thì bố em thường xuyên có hành vi đánh đập, chửi bới, xúc phạm và gần đây nhất bố đánh đập và đòi chém mẹ con em. 

Tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định những hành vi bạo lực gia đình và theo thông tin em trình bày thì bố em thường xuyên đánh đập và lăng nhục người mẹ con em, do vậy mẹ con em  là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Theo khoản 1 Điều 5 Luật phòng, chống bạo lực gia đình quy định về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình thì mẹ con bạn trong trường hợp này có các quyền sau đây:

“Xem trích dẫn tại phần tư vấn 1”

Các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ cho người vợ trong trường hợp này được quy định cụ thể tại Điều 18 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

“1. Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 của Luật này.

2. Cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình”.

Như vậy, trong trường hợp này em có thể:

- Nộp đơn tới Ủy ban nhân dân xã trình bày về việc mẹ con em bị đánh đập, lăng mạ để cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

- Nếu hành vi bạo lực ở mức độ nghiêm trọng, tàn ác, gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe và tinh thần của mẹ con em thì em có thể nộp đơn tố cáo đến công an về tội cố ý gây thương tích hoặc tội hành hạ người khác theo quy định của Bộ luật hình sự.

Bộ luật Hình sự quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

...”

Trên đây là quy định của pháp luật liên quan đến trường hợp của gia đình em. Tuy nhiên, em cần căn cứ vào tình hình thực tế của gia đình em để đưa ra quyết định đúng đắn.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn