Nguyễn Nhàn

Bạo lực gia đình là gì theo quy định?

Bạo lực gia đình là hành vi gây ảnh về sức khỏe, tinh thần… giũa các thành viên gia đình với nhau. Hành vi bạo lực gia đình dù ở mức độ nào cũng gây nên những ảnh hưởng nhất định đến người bị bạo lực. Dưới đây là nội dung phân tích của Luật Minh Gia về vấn đề này.

1. Bạo lực gia đình là gì?

Gia đình là một khái niệm được ghi nhận trong Luật hôn nhân và gia đình, theo đó gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau, phát sinh quan hệ do hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng, từ đó làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định pháp luật.

Gia đình là một phần của xã hội, ai cũng mong muốn xây dựng một gia đình trọn vẹn, hạnh phúc. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều trường hợp vi phạm quyền, nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình. Trong đó, tình trạng bạo lực gia đình là một tình trạng phổ biến và gây nhiều ảnh hưởng trong xã hội hiện nay.

Hành vi bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

Như vậy, có thể thấy bản chất của bạo lực gia đình đó là gây ra các tổn hại nhất định đến các thành viên trong gia đình, tổn hại này có thể là về sức khỏe, về tinh thần hoặc về tài sản, tâm lý...

2. Các đặc điểm cơ bản của bạo lực gia đình

Thông qua khái niệm về bạo lực gia đình, có thể thấy bạo lực gia đình có các đặc điểm cơ bản sau:

- Bạo lực gia đình là hành vi xảy ra trong phạm vi gia đình, xảy ra giữa những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng nhau hoặc giữa những người đã từng có quan hệ gia đình.

- Hành vi bạo lực gia đình có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức như bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế… giữa các thành viên gia đình hoặc đã từng là gia đình với nhau.

- Hành vi bạo lực gia đình chủ yếu xảy ra trong phạm vi nội bộ gia đình nên việc phát hiện, xử lý hành vi này thường gặp khó khăn.

3. Các hành vi được xác định là hành vi bạo lực gia đình

Theo quy định tại Luật phòng, chống bạo lực gia đình, các hành vi bạo lực gia đình chủ yếu bao gồm các hành vi sau:

- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

- Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

- Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

- Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

- Cưỡng ép quan hệ tình dục trái ý muốn của thành viên gia đình;

- Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

- Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

- Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

- Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

4. Quyền, nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình

Khi thành viên trong gia đình trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình thì bản thân nạn nhân bạo lực gia đình có các quyền và nghĩa vụ sau:

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;

- Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật;

- Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;

- Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của pháp luật;

- Nạn nhân bạo lực gia đình có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu.

- Ngoài ra, nạn nhân của bạo lực gia đình còn có các quyền lợi và nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật.

Như vậy, theo các phân tích nêu trên có thể thấy hành vi bạo lực gia đình là hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến bản thân thành viên trong gia đình, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của xã hội. Khi bị bạo lực gia đình hoặc phát hiện các hành vi bạo lực gia đình cần kịp thời thông báo với cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bạo lực gia đình.

---

5. Tư vấn về ly hôn và bạo lực gia đình

Câu hỏi:

Chào luật sư cho em hỏi: Cô chú em năm nay gần 50 tuổi rồi ạ, chú em thường xuyên cơ bạc đánh đập Cô em. Việc đánh đập không phải ít lần mà từ khi cô chú lấy nhau. Con cô chú đã 30 tuổi, chú từ khi kết hôn đến giờ (32 năm) chỉ nhà ăn ngủ rượu chè, rồi cơ bạc xong về lại đánh Cô ấy

Một mình cô phải nuôi cả chồng cả con thế mà hàng ngày vẫn bị đánh.  Cô em cố chịu đựng để con có cha có mẹ, nhưng đến giờ Cô không thể chịu đựng được nữa.  Mọi người và con cô cũng cô muốn ly hôn. Cô ấy không biết bắt đầu như nào ạ? 

Cả họ 2 bên đều khuyên cô ấy ly hôn, nhưng khó 1 việc là giờ cô ấy không dám ở nhà vì ở nhà thì chú ấy sẽ đánh và giết cô ấy ạ. Cô ấy sẽ viết đơn ly hôn nhưng chưa chắc chú ấy sẽ ký. Cô còn sợ ly hôn xong chú vẫn bám riết cô và làm nhục con cái. 

Em rất mong công ty tư vấn giúp cô ấy giờ phải làm những việc gì để ly hôn được mà không hại đến tính mạng ạ.  Em xin trân thành cảm ơn.

Trả lời:

Chào bạn! Xin cảm ơn những thắc mắc mà bạn đã gửi cho Luật Minh Gia. Trường hợp của gia đình cô bạn, chúng tôi xin có những tư vấn như sau:

Đầu tiên, có thể nhận thấy rõ, cô bạn đang là nạn nhân của bạo lực gia đình được quy định rõ tại Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.

Theo đó, Điều 5 của luật này quy định:

''Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình

1. Nạn nhân bạo lực gia đình có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;

b) Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;

c) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;

d) Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;

đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Nạn nhân bạo lực gia đình có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu.''

Người thân trong gia đình bạn hoặc chính cô bạn có thể đến Uỷ ban nhân dân xã (phường), cơ quan công an hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cô bạn đang sinh sống để báo về sự việc này. Khi nhận được tin báo, Cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp để bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình và bảo vệ cô bạn, các con của cô bạn... Các biện pháp có thể là buộc chấm dứt, cấm tiếp xúc, phạt hành chính….được quy định cụ thể tại chương 3 của luật này.

Về việc cô bạn muốn đơn phương ly hôn thì vẫn có thể thực hiện theo các quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Cụ thể theo quy định tại khoản 1, Điều 56:

''Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.''

Do vậy, cô bạn có thể nộp đơn xin ly hôn cho tòa án quận( huyện) nơi cô bạn sinh sống để được thụ lý, giải quyết.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo