Bị xe phía sau đâm gây tai nạn bồi thường thế nào?

Kính gửi công ty luật Minh Gia: Em có 1 câu hỏi muốn hỏi luật sư tư vấn về bồi thường tai nạn giao thông. Xin luật sư tư vấn cho em trong thời gian nhanh nhất, cụ thể: Tình huống như sau: E là T đang tham gia giao thông bằng xe máy nhưng vì 1 số lí do nên đi 1 đoạn trái đường e đang chạy tới ngã rẽ bên trái để rẽ qua đi cho đúng luật thì có 1 anh đi xe máy phía sau không hiểu sao đâm tới cả 2 người văng vào nhà dân đâm vào cột nhà cả 2 chiếc xe đều bị hỏng nhẹ. a đó thì bị mất ít thịt trên đầu 1 ngón tay trỏ phải. E đã đưa a đó đi bệnh viện và lo viện phí 3 triệu 500 ngàn đồng.

Tổng chi phí chưa rõ vì a ấy phải phẫu thuật lấy mô da bên bắp tay ghép vào chỗ đầu ngón tay ấy. Tính tới thời điểm này thì đã đóng trước cho bệnh viện 4 triệu 500 ngàn. e chịu 3tr500 giờ bệnh viện yêu cầu đóng thêm 2tr tiền phí phẫu thuật nữa. Giờ bên họ yêu cầu e đóng tiếp nhưng e không đủ điều kiện, giờ không biết giải quyết như thế nào vì cả 2 đều đi trái đường nhưng a ấy đâm từ phía sau đâm tới e. E có cần phải ra tòa để giải quyết không ạ? Xin tư vấn cho e gấp em cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của chị được tư vấn như sau:

Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

Theo như chị trình bày, tại thời điểm xảy ra tai nạn thì cả 2 xe máy đều đang đi trái đường. Đối chiếu với quy định tại Luật giao thông đường bộ 2008 thì hành vi của 2 bên đều được xác định là hành vi vi phạm pháp luật với lỗi cố ý trực tiếp. Tuy nhiên để xác định lỗi gây ra tai nạn dẫn đến thiệt hại là của bạn hay của người bị thiệt hại thì phải dựa trên kết luận của cơ quan điều tra.

Sau khi đã xác định được lỗi trực tiếp dẫn đến thiệt hại là của bạn thì bạn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nếu lỗi hoàn toàn của người bị thiệt hại thì bạn không có trách nhiệm bồi thường, nếu lỗi của cả hai bên thì bạn chỉ phải chịu trách nhiệm trên phần lỗi của mình. Một số trường hợp khác tai nạn xảy ra không phải do lỗi của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà do chiếc xe gây ra thì chủ sở hữu của chiếc xe hoặc người đang chiếm hữu chiếc xe có trách nhiệm phải bồi thường theo quy định tại Điều 601 Bộ luật hình sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra:

“1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.”

Mức bồi thường trước tiên do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì bạn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp. Khi giải quyết Tòa án dựa trên yếu tố lỗi của các bên và thiệt hại thực tế xảy ra theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm:

“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

 Hiện nay thì ngoài thiệt hại thực tế bị thiệt hại thì người bị thiệt hại còn có thể yêu cầu người gây ra thiệt hại bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần, mức tối đa là không quá 50 lần mức lương cơ sở, mức lương cơ sở hiện nay là 1 390 000 đồng (Nghị định 72/2018/NĐ-CP).

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169