Nguyễn Kim Quý

Ly hôn muốn đứng tên tài sản chung được không?

Luật Hôn nhân và Gia đình (LHN&GĐ) năm 2014 và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành đã có những quy định tạo cơ sở pháp lý để giải quyết những tranh chấp về tài sản của vợ chồng khi ly hôn, nhằm đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các đương sự.

Câu hỏi tư vấn:

Kính gửi: Luật Minh Gia. Dạ em và chồng của em năm nay đã 31 tuổi kết hôn năm 2008 và có 01 con chung với nhau một bé gái sinh năm 2010. Hiện nay bé đang sống chung với em

Vợ chồng em đã li thân được 01 năm, nay em muốn li hôn nhưng về phần tài sản chung: có một căn nhà cấp 4 (nghe nói là sẽ chia làm 3 phần, vợ, chồng và con) phần của chồng và em sẽ cho con nhưng chồng muốn bà nội phải đứng tên, nhưng em không muốn như vậy bà ấy sẽ đuổi mẹ con em ra khỏi nhà. Nghe nói con em còn nhỏ cần có người đứng tên để bảo trợ pháp lí gì đó có đúng như vậy không? Giờ em muốn con em tự đứng tên căn nhà đó có được không? Nếu không thì em phải làm sao? Nhờ luật Minh Gia giúp em. Trân trọng và cảm ơn!

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân sau khi ly hôn.

Căn cứ theo quy định tại Điều 98, Điều 95 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định:

"Điều 98. Chia nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng

Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng có thể chia để sử dụng thì khi ly hôn được chia theo quy định tại Điều 95 của Luật này; nếu không thể chia được thì bên được tiếp tục sử dụng nhà ở phải thanh toán cho bên kia phần giá trị mà họ được hưởng".

"Điều 95. Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn

1. Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó.

2. Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:

a) Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

b) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.

3. Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết"

Theo quy định trên thì việc chia ngôi nhà cấp 4 trên do hai vợ chồng bạn thỏa thuận với nhau, nếu hai vợ chồng bạn không thỏa thuận được thì việc chia tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có xem xét về hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Như vậy nếu như bạn không đồng ý với điều kiện khi hai vợ chồng để lại cả phần của mình cho con nhưng bà nội của con bạn đứng tên thì ngôi nhà cấp 4 kia sẽ được chia  đôi.

Để con bạn nhận được quyền sở hữu ngôi nhà trên thì hai vợ chồng bạn có thể làm hợp đồng tặng cho quyền sở hữu ngôi nhà cấp 4 trên.

Thứ hai, việc bảo trợ pháp lí cho con bạn

Căn cứ theo quy định tại Điều 141, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định:

 “Điều 141. Người đại diện theo pháp luật

Người đại diện theo pháp luật bao gồm:

1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên”

Theo quy định này thì con của vợ chồng bạn chưa thành niên nên bạn hoặc chồng của bạn là người đại diện theo pháp luật của con. Theo quy định này thì mọi giao dịch của con bạn sẽ được một trong hai vợ, chồng bạn xác lập và thực hiện.

Thứ ba, về việc con bạn có được đứng tên căn nhà cấp 4.

Nếu hai vợ chồng bạn thỏa thuận được với nhau về việc để lại ngôi nhà cấp 4 trên cho con bạn thì con bạn có thể được đứng tên trong ngôi nhà kia nhưng với điều kiện con bạn cần có người quản lý tài sản trên theo quy định tại Điều 76 Luật hôn nhân và gia đình.

“Điều 76. Quản lý tài sản riêng của con

2. Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác".

Trên đây là nội dung tư vấn về: Ly hôn và việc phân chia tài sản chung. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện để được tư vấn trực tuyến.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Tư vấn nhanh