Đinh Thị Minh Nguyệt

Không giao con theo quyết định của toà án bị xử lý thế nào?

Người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn chỉ có quyền và nghĩa vụ thăm nom con cũng như phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con có đến khi con đủ 18 tuổi. Tuy nhiên thực tế có nhiều trường hợp sau khi ly hôn một bên được quyền nuôi con, tuy nhiên bên còn lại không giao con theo quyết định của tòa. Vậy hành vi không giao con theo quyết định của toà án bị xử lý thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Minh Gia sẽ giải quyết vấn đề trên.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:

“2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Như vậy, theo quy định này thì nếu vợ chồng không thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi con thì Tòa án sẽ quyết định việc giao con cho một bên trực tiếp nuôi. Nếu sau khi ly hôn, một bên được quyền nuôi con nhưng bên con lại không giao con thì theo Điều 7 Luật Thi Hành án Dân sự về quyền yêu cầu thi hành án: “Người được thi hành án, người phải thi hành án căn cứ vào bản án, quyết định có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án.”

Như vậy, trong trường hợp này bên có quyền nuôi con có thể làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành bản án đã tuyên. Chấp hành viên sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương thuyết phục bên còn lại tự nguyện giao con cho bên có quyền nuôi con theo quyết định của Tòa án theo Điều 120 Luật Thi Hành án Dân sự 2008 như sau:

Điều 120. Cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định

1. Chấp hành viên ra quyết định buộc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định. Trước khi cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, Chấp hành viên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án.

2. Trường hợp người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.”

Như vậy nếu bên không có quyền nuôi con không giao con theo quyết định của toà án cho bên có quyền trực tiếp nuôi con thì sẽ bị cưỡng chế thi hành án nếu bên có quyền có đơn yêu cầu thi hành. Sau khi có đơn yêu cầu thi hành án, chi cục thi hành án có thẩm quyền sẽ ban hành quyết định thi hành án, yêu cầu bên còn lại phải giao con cho bên có quyền trực tiếp nuôi con. Sau đó, chấp hành viên thực hiện thủ tục thông báo, đôn đốc, thuyết phục, gửi công văn đến nơi làm việc của bên đang giữ con để đề nghị phối hợp trong thời gian tự nguyện thi hành.

Khi đã hết thời gian tự nguyện thi hành mà bên phải giao con vẫn không chấp hành thì Chi cục thi hành án sẽ tiến hành cưỡng chế thi hành án, nếu người phải thi hành vẫn không thực hiện thì cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định xử phạt hành chính đối với người này, yêu cầu sau 5 ngày họ phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

Cụ thể, Điều 64 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực thi hành án dân sự như sau:

Điều 64. Hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực thi hành án dân sự

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không thực hiện công việc phải làm theo bản án, quyết định;

Nếu sau đó họ vẫn không thực hiện, Chi cục thi hành án đã tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương động viên, thuyết phục, đôn đốc, thúc giục, đã tổ chức cưỡng chế nhiều lần nhưng người phải thi hành vẫn không giao con thì Chi cục thi hành án xem xét tính chất của hành vi từ đó có thể có văn bản đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người này về tội không chấp hành án theo Điều 380 Bộ luật hình sự 2015:

“Điều 380. Tội không chấp hành án

1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ;

b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

c) Tẩu tán tài sản.

3. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

Thực tế đã có trường hợp một người đàn ông bị khởi tố và đã bị tuyên án tù về tội không chấp hành án khi không chịu giao con cho vợ sau khi ly hôn, cơ quan thi hành án đã thuyết phục và cưỡng chế nhiều lần, đã xử phạt hành chính nhưng vẫn không giao con, thái độ hung hăng, có tính chất coi thường pháp luật… cơ quan thi hành án xem xét đây là trường hợp nghiêm trọng nên đã có văn bản đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người này về tội không chấp hành án.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo