Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Yêu cầu giám định và thời hạn giám định theo quy định BLTTHS

Giám định tư pháp hình sự là gì? Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành quy định như thế nào về yêu cầu giám định? Trường hợp nào đương sự không được quyền yêu cầu giám định? Thời hạn, trình tự, thủ tục giám định được thực hiện như thế nào?

1. Luật sư tư vấn về việc giám định tư pháp hình sự

Kết luận giám định được Bộ luật tố tụng hình sự ghi nhận là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Nếu kết luận giám định đúng đắn giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được chính xác, khách quan đúng pháp luật, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội, ổn định an ninh quốc gia. Đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.

Việc yêu cầu giám định, thời hạn giám định được quy định cụ thể trong Bộ luật tố tụng hình sự, tuy nhiên trên thực tế vẫn nhiều trường hợp đương sự không nắm được quyền yêu cầu giám định của mình dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình không được đảm bảo.

2. Yêu cầu giám định và thời hạn giám định theo quy định Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Yêu cầu giám định và thời hạn giám định được quy định cụ thể tại Điều 207, điều 208 Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, chi tiết như sau:

Yêu cầu giám định

1. Đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.

Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định. Trường hợp không chấp nhận đề nghị thì thông báo cho người đã đề nghị giám định biết bằng văn bản và nêu rõ lý do. Hết thời hạn này hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì người đề nghị giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.

2. Người yêu cầu giám định có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật giám định tư pháp.

Thời hạn giám định

1. Thời hạn giám định đối với trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định:

a) Không quá 03 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 206 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015;

b) Không quá 01 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 6 Điều 206 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015;

c) Không quá 09 ngày đối với trường hợp quy định tại các khoản 2, 4 và 5 Điều 206 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

2. Thời hạn giám định đối với các trường hợp khác thực hiện theo quyết định trưng cầu giám định.

3. Trường hợp việc giám định không thể tiến hành trong thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì tổ chức, cá nhân tiến hành giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan trưng cầu, người yêu cầu giám định.

4. Thời hạn giám định quy định tại Điều này cũng áp dụng đối với trường hợp giám định bổ sung, giám định lại.

---------------

Câu hỏi - Hỏi tư vấn quy định liên quan tới tiền ảo

Chào VP Luật Minh Gia, Em cần hỏi 1 số câu hỏi về kênh đầu tư tiền ảo, đại loại em chỉ làm trung gian (em có 1 website cho các bên kêu gọi đầu tư vào quảng cáo), người chơi (investor - người đầu tư) cũng sẽ truy cập vào website của em để tham khảo thông tin. Ko hề có giao dịch gì trên website của em cả. Người chơi cũng đa phần đến từ rất nhiều nước khác nhau chứ VN chỉ 1 số nhỏ. Máy chủ và tên miền em cũng mua và sử dụng của các đối tác nước ngoài.Cho em hỏi liệu có ràng buộc về mặt pháp lý hay truy tố hình sự gì ko nếu em triển khai dự án này ạ, Em xin cảm ơn VP Luật sư,

Trả lời: Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:

Nghị định 80/2016/NĐ-CP quy định: Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán, bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Hiện tại, Ngân hàng nhà nước vẫn chưa có văn bản nào thừa nhận tiền ảo (Bitcoin) được coi là một phương tiện thanh toán. Do vậy việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo ở Việt Nam là hành vi bị nghiêm cấm. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng theo quy định tại điểm d, khoản 6 Điều 27 Nghị định 94/2014/NĐ-CP.

Ngoài ra, kể từ ngày 1/1/2018 khi bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực, hành vi Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp gây thiệt hại cho người khác từ 100 triệu đồng trở lên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015.

Do thông tin anh/chị cung cấp không rõ ràng, chúng tôi không thể xác định hành vi của anh/chị có vi phạm pháp luật hay không?

Anh/chị tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình! Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác Anh/chị vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169