Đinh Thị Minh Nguyệt

Người nhà bị hại có đơn không xử lý hình sự có bị truy cứu ?

Hiện nay, nền kinh tế ngày càng phát triển, giao thông đi lại ngày trở nên đông đúc, phức tạp hơn. Tình trạng tai nạn giao thông dẫn chết người không còn quá xa lạ. Vậy khi đã đã tiến hành bồi thường đầy đủ các chi phí và gia đình người bị hại đã có đơn xin không xử lý hình sự có bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa không. Hãy cùng Luật Minh Gia tìm hiểu.

Nội dung tư vấn: Anh trai tôi uống rượu say trên đường về đã gây ra tai nạn giao thông làm chết một người đi bộ sang đường. Sau đó, gia đình tôi đã gặp gỡ gia đình người bị nạn và đã thực hiện việc bồi thường đầy đủ các chi phí cho họ. Gia đình người bị hại đã có đơn xin không xử lý hình sự đối với anh tôi. Xin luật sư cho biết trong trường hợp này, anh tôi có phải chịu trách nhiệm hình sự nữa không ?

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn cho công ty Luật Minh Gia chúng tôi, công ty xin được tư vấn về trường hợp này như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp, anh trai bạn uống rượu sau và gây ra tai nạn làm chết một người, gia đình bạn đã bồi thường, lo các chi phí cho gia đình nạn nhân. Gia đình bị hại cũng có đơn xin không xử lý hình sự.

Căn cứ quy định tại Điều 260 BLHS 2015, sửa đổi bởi Khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:

“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;

…”

Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự 2021 quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại như sau:

“1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ Luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.”.

Theo quy định trên, các tội phạm tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS 2015, cơ quan điều tra chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Như vậy, tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Do vậy, dù gia đình người bị hại đã có đơn xin không xử lý hình sự đối với anh trai bạn nhưng cơ quan điều tra vẫn có quyền khởi tố để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về việc gia đình đã đến gặp gỡ gia đình người bị nạn và đã thực hiện việc bồi thường đầy đủ các chi phí, theo quy định tại Khoản 3 Điều 29 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung bởi Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về căn cứ miễn TNHS như sau:

“3. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.”

Căn cứ vào quy định trên, việc bồi thường các chi phí cho gia đình người bị hại không phải yếu tố đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự (không bị phạt tù).

Hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 BLHS 2015 của bạn “có thể” được xem xét miễn TNHS nếu Toà án xác định hành vi thuộc tội phạm nghiêm trọng do lỗi vô ý; gia đình đã tự nguyện sửa chữa bồi thường và người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hoà giải và có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn