Cà Thị Phương

Xử phạt hành chính khi xúc phạm, đe dọa và xâm hại đến sức khỏe người khác

Hành vi đe dọa cắt gân chân người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào? Mức hình phạt trong trường hợp này được xác định ra sao? Luật Minh Gia giải đáp thắc mắc liên quan đến vấn đề này như sau:

1. Luật sư tư vấn Luật Hình sự

Trong đời sống thường ngày, các cá nhân, tổ chức không thể tránh khỏi những mâu thuẫn phát sinh. Tuy nhiên, để đảm bảo cách xử sự đúng chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực đạo đức, các bên cần phải lựa chọn những phương án giải quyết mâu thuẫn phù hợp.

Do đó, nếu bạn hoặc người nhà của bạn đang gặp phải những mâu thuẫn trong gia đình, mâu thuẫn trong công việc và các mâu thuẫn khác trong xã hội mà bạn chưa có hướng giải quyết phù hợp, bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169 để được tư vấn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Tư vấn trường hợp bố đe dọa cắt gân chân của mẹ

Câu hỏi tư vấn: Bố mẹ cháu có mâu thuẫn, cãi cọ. Đêm qua bố cháu đi vắng, có gọi điện về chửi bới mẹ cháu và nói đêm nay tao sẽ về cắt gân chân mày. Đến nửa đêm bố cháu về, mẹ con cháu không dám mở cửa. Bố cháu đập phá cửa, chửi bới, đổ xăng ra cửa nhà đốt bắt mẹ con cháu phải mở cửa. Mẹ cháu gọi điện báo công an địa phương đến giải quyết. Như vậy thì nếu phạt hành chính, bố cháu hay mẹ cháu có lỗi và phải chịu phạt ạ?

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới công ty Luật Minh Gia của chúng tôi. Với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ thông tin bạn cung cấp, với hành vi chửi bới, đe dọa căt gân chân, phá cửa đập cửa, chửi bới và đốt xăng của bố bạn như vậy thì tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi theo kết luận của cơ quan công an bố bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đủ căn cứ cấu thành tội phạm hoặc bị xử lý vi phạm hành chính.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 về tội đe dọa giết người như sau:

“Điều 133. Tội đe dọa giết người

1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

d) Đối với người dưới 16 tuổi;

đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.”

Người bị coi là phạm tội đe dọa giết người là người có hành vi thể hiện sẽ tước đoạt tính mạng người khác. Hành vi này có thể là lời đe dọa với những hình thức khác nhau (qua điện thoại, thư từ…) hoặc có thể là những cử chỉ, việc làm cụ thể gián tiếp thể hiện sự đe dọa (như đi tìm công cụ, phương tiện…). Hành vi đe dọa phải gây ra cho người bị đe dọa tâm lí lo sợ một cách có căn cứ là hành vi giết người sẽ xảy ra. Hành vi đe dọa giết người chỉ cấu thành tội phạm khi hành vi đó đã làm cho người bị đe dọa thực sự lo sợ một cách có căn cứ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện.

Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:

“Điều 140. Tội hành hạ người khác

1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên.”

Như vậy, tùy vào dấu hiệu hành vi và mức độ nguy hiểm của hành vi mà bố của bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đe dọa giết người hoặc tội hành hạ người khác.

Mặt khác nếu không đủ căn cứ cấu thành một trong các tội phạm trên, thì hành vi của bố bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

“Điều 51. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.

...”

Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169