Xử phạt đối với người sử dụng lao động giữ bản gốc văn bằng, chứng chỉ người lao động?
Đến ngày 15/1/2016 tôi gọi điện để lấy bằng thì chị bên nhân sự bảo chị bị ốm, đến ngày 17/1/2016 có 1 khách hàng do tôi bán sản phẩm là nhẫn nam, có đến bảo nhân viên tư vấn là bạch kim mới mua, chứ vàng trắng gì mà đắt thế (nhẫn 2,5 chỉ vàng 14k giá là 11,200,000), đã đi Bảo Tín Minh Châu, Doji... để kiểm tra không phải là bạch kim, sau đó công ty hoàn trả toàn bộ số tiền của chiếc nhẫn là 11,200,000d, sau đó bắt tôi đền số tiền 20% giá trị của chiếc nhẫn là 2,240,000 gọi là phí chuyển đổi.
Nhưng thực tế tôi không hề tư vấn đó là bạch kim, trước khi trả hàng cho khách tôi đã check lại với khách, có hóa đơn ghi rõ trọng lượng và tuổi vàng là 14k, tôi và khách hàng 2 bên có ký nhận, tôi lên công ty làm việc không đồng ý bồi thường, công ty có bảo với tôi để công ty làm việc với khách hàng, nhưng đã 6 tháng trôi qua, rất nhiều lần tôi gọi điên hỏi công ty giải chưa, nhưng lần nào cũng nói là đang xem xét, hiện tại tôi sắp sinh con, gọi điện nhưng công ty không phản hồi cho tôi, bây giờ tôi phải làm thế nào để lấy được bằng về ạ? Rất mong luật sư giải đáp cho tôi ạ!
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luât Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012 về giao kết hợp đồng.
Điều 20. Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động
1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
Như vậy, đối chiếu quy định trên với trường hợp thực tế của bạn việc đơn vị giữ văn bằng gốc của bạn đã là hành vi vi phạm. Sau khi chấm dứt hợp đồng vẫn không thực hiện việc hoàn trả các chế độ, văn bằng đã giữ - tức hành vi vi phạm pháp luật về lao động. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của mình thì bạn có quyền làm đơn khiếu nại trực tiếp gửi lãnh đạo đơn vị giải quyết, trường hợp đơn vị không giải quyết thì làm đơn khiếu nại gửi trực tiếp Phòng lao động thương binh và xã hội để xử lý.
Đồng thời, Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.
Điều 5. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động
...
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;
b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động;
c) Giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;
b) Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.”
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Xử phạt đối với người sử dụng lao động giữ bản gốc văn bằng, chứng chỉ người lao động?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng!
CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất