Hoài Nam

Xử phạt đối với người không có năng lực trách nhiệm hình sự

Luật sư tư vấn trường hợp người mắc bệnh tâm thần phân liệt thể không biệt định bị dụ dỗ ký hợp đồng vay tiền nay bị bên cho vay tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trường hợp này có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Cụ thể như sau:

 

Kính chào Luật Minh Gia! Tôi có một người em (27 tuổi) bị khuyết tật thần kinh nhẹ (lúc tỉnh, lúc mê) Vừa qua em tôi có bị dụ dỗ và ký kết hợp đồng vay tiền ngân hàng với số tiền 60triệu với lãi suất 125%/2năm, kỳ hạn trả gốc và lãi là 24 tháng. Và sau khi hoàn thành thủ tục, Em tôi được bên môi giới cho vay làm hợp đồng"chui" để hợp đồng được ký kết thành công,em tôi được cấp thẻ tín dụng với số tiền là 54triệu, em tôi chi lại tiền hoa hồng 10% (6triệu) cho người môi giới vì làm giúp hợp đồng vay theo lương. (Bảng xác nhận lương là giả,con dấu giả của CTY X) Sau đó em tôi bị ngân hàng  tố cáo vì tội lừa đảo và chiếm đoạt tài sản. Xin hỏi Quý Luật tư vấn cho tôi trong trường hợp này thì Em tôi có bị xử phạt không? (vì em tôi là người mất năng lực hành vi dân sự, đã từng chữa trị tại bệnh viện tâm thần, xác nhận bệnh là "Bệnh tâm thần phân liệt thể không biệt định F203" NẾU muốn bào chữa cho em tôi khỏi tội thì nên áp dụng những điều luật nào? Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

 

Trả lời tư vấn: Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới công ty Luật Minh gia, trường hợp của bạn được chúng tôi tư vấn như sau:

 

Để bào chữa cần giấy tờ cụ thể và thông tin thật rõ ràng cụ thể, vì thông tin mà bạn cung cấp chưa cụ thể vì thế ở đây tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ vào Điều 21 về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:

 

“Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

 

Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”

 

Như vậy, ở đây cần làm rõ, vào thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, cụ thể là những hành vi: lúc bị bên môi giới dụ dỗ để thực hiện kí kết hợp đồng giả, lúc chi trả tiền hoa hồng cho bên môi giới… vào thời điểm đó thì em trai của bạn về mặt nhận thức có hoàn toàn bình thường không?

 

Nếu ở thời điểm thực hiện những hành vi nguy hiểm cho xã hội mà về lúc đó nhận thức của em trai bạn không bình thường hoặc đang có dấu hiệu phát bệnh thì căn cứ theo quy định nêu trên thì em trai của bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự đồng thời phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

 

Nếu ở thời điểm thực hiện những hành vi nguy hiểm cho xã hội em bạn hoàn toàn có nhận thức bình thường thì em vẫn sẽ phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh rồi sau đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

 

Ngoài ra cần phải thu thập những bằng chứng cụ thể để chứng minh em trai của bạn đã bị xúi giục, kích động lôi kéo từ bên mối giới, và thời điểm đó hoàn toàn không tỉnh táo về mặt nhận thức.

 

Ngoài ra bạn có thể tham khảo những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt theo quy định tại Điều 51 và Điều 54Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 để áp dụng vào tình huống cụ thể của em trai bạn để có hướng giải quyết tốt nhất:

 

“Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

 

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

 

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

 

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

...

k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;

 

l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;

...

p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

 

q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

 

r) Người phạm tội tự thú;

 

s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

 

t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;

 

u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

 

v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;

 

x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

 

2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

 

3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.”

 

“Điều 54. Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng

 

1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.

 

2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

 

3. Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.”

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Thùy Dương - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169