Xử lý trường hợp đóng trùng tháng bảo hiểm xã hội
Nội dung đề nghị tư vấn
Chào luật sư
Tôi làm đơn xin nghĩ việc tại công ty A vào đầu tháng 4/2012 (theo thỏa thuận 45 ngày sau sẽ chính thức thôi việc vẫn hưởng lương và BH đầy đủ). Trong thời gian chờ thôi việc tôi đã xin được việc làm mới tại cty B và họ đã đóng BH cho tôi bắt đầu từ tháng 4/2012 nhưng tôi không biết. Sau khi nghỉ việc tại cty A, tôi làm thủ tục và đã lãnh BHTN và BHXH đầy đủ. Tôi làm tại cty B được hơn 1 năm thì nghỉ việc, tôi đến BHXH làm thủ tục lãnh BHTN mà họ nói hồ sơ không hợp lệ vì trùng sổ ở tháng 4/2012. Tôi rút sổ lại và nộp tiếp vào cty C. Luật sư cho tôi hỏi khi tôi nghỉ việc tại cty C tôi phải làm thế nào để được lãnh BHTN và BHXH. Nếu khi nghỉ việc tại cty C tôi không làm thủ tục lãnh BHTN thì 1 năm sau đó tôi có được lãnh BHXH được không? Xin cảm ơn luật sư.
Trả lời
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 63 Quyết định 111/QĐ-BHXH về việc có hai sổ bảo hiểm có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trùng:
2. Một người có từ 02 sổ BHXH trở lên ghi thời gian đóng BHXH trùng nhau thì cơ quan BHXH hướng dẫn người lao động lựa chọn 01 sổ BHXH để tiếp tục ghi quá trình đóng BHXH, BHTN hoặc giải quyết các chế độ BHXH, BHTN. Các sổ BHXH còn lại thu hồi và thực hiện hoàn trả cho đơn vị, người lao động theo quy định tại Điểm 3.3, Khoản 3 Điều 48. Trường hợp sổ BHXH bị thu hồi mà đơn vị đề nghị cấp sổ BHXH đã giải thể thì thực hiện giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho người lao động. Khi thu hồi sổ BHXH, đồng thời phải thu hồi các khoản trợ cấp BHXH đã chi trả trước đó (nếu có).
Như vậy, bạn cần cầm 2 sổ bảo hiểm đến bảo hiểm xã hội để làm thủ tục nhập vào một sổ bảo hiểm xã hội. Đối với thời gian tháng 4/2012 bị đóng trùng thì bạn sẽ được hoàn trả lại được quy định tại Điểm a Mục 3.1 Khoản 3 Điều 55 định 111/QĐ-BHXH:
a) Đơn vị giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc di chuyển nơi đăng ký tham gia đã đóng thừa, đóng trùng tiền BHXH, BHYT, BHTN, các trường hợp hoàn trả BHXH tự nguyện, BHYT quy định tại Điều 25; Khoản 3 Điều 28; Khoản 2, Điều 30 và Khoản 2 Điều 31.
Lúc này, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ hướng dẫn bạn các thủ tục cụ thể để tiến hành việc gộp thành 1 sổ bảo hiểm xã hội. Khi đã có 1 sổ bảo hiểm thì bạn sẽ được giải quyết để được nhận tiền bảo hiểm xã hội 1 lần. Lúc đó, luật áp dụng sẽ là Luật bảo hiểm xã hội 2014, cụ thể là tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 93/2013/QH13:
1. Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.
Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Xử lý trường hợp đóng trùng tháng bảo hiểm xã hội. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng.
CV Khánh Linh - Công ty Luật Minh Gia.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất