LS Vy Huyền

Xử lý kỷ luật đối với lao động tự ý nghỉ việc

Tôi xin được tư vấn trường hợp vi phạm nội quy lao động tại đơn vị như sau: - Ngày 23/2/2017 một công nhân nữ vi phạm nội quy lao động (trộm cắp tài sản) bị bảo vệ bắt lập biên bản vi phạm nội quy lao động, có sự chứng kiến của đại diện người sử dụng lao động (đội trưởng đội sản xuất). Công nhân vi phạm đã ký biên bản và làm bản tường trình công nhận hành vi trộm cắp tài sản của mình.

 

Ngày 25/2/2017 Ban chỉ huy đội họp xét đề nghị hình thức kỷ luật sa thải theo Nội quy lao động của công ty (có tham gia của Tổ trưởng công đoàn). Ngày 20/3/2017 Hội đồng thi đua khen thưởng nông trường mời công nhân họp xét kỷ luật, nhưng công nhân đang nằm viện nên không xử lý được. Ngày 13/4/2017 nông trường họp xét kỷ luật, công nhân báo có thai và đưa ra phiếu siêu âm của trung tâm y tế huyện kết luận có thai 8 tuần tuổi. Giám đốc nông trường cử cán bộ y tế đưa công nhân đi khám xác minh rõ việc mang thai thì công nhân báo phải đi viện điều trị bệnh, nông trường yêu cầu cung cấp giấy nhập viện để xác nhận có nằm viện điều trị bệnh nhưng công nhân không cung cấp. Ngày 24/4/2017 công nhân có nhờ người gửi đơn xin nghỉ phép đến bộ phận tổ chức nông trường, trợ lý tổ chức gọi điện cho công nhân trả lời là công nhân phải trực tiếp nộp đơn và Giám đốc nông trường đồng ý mới được nghỉ, nhưng công nhân nói đã về quê để trị bệnh.Qua sự việc trên nông trường xử công nhân tự ý bỏ việc là đúng hay không. Rất mong nhận được lời tư vấn của các luật sư. xin chân thành cảm ơn.

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, với yêu cầu của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về việc xử lý kỷ luật đối với người lao động

 

Căn cứ theo quy định tại điều 123 bộ luật lao động 2012 về nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật:

 

Điều 123. Nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động

 

1. Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:

 

a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

 

b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;

 

c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;

 

d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.

 

2. Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.

 

3. Khi một người lao động đồng thời có nhiều hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.

 

4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:

 

a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;

 

b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;

 

c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 Điều 126 của Bộ luật này;

 

d) Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

 

5. Không xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

 

Căn cứ theo quy định trên thì trong trường hợp người lao động xuất trình được giấy tờ chứng minh trong thời gian xử lý kỷ luật người đó bị ốm (giấy khám, chữa bệnh) hoặc đang mang thai (giấy khám thai hoặc phiếu siêu âm) thì người sử dụng lao động không được phép tiến hành xử lý kỷ luật về hành vi vi phạm của người đó.

 

Như vậy, đối với trường hợp của công ty bạn nếu người lao động xuất trình được phiếu siêu âm chứng minh được người đó đang mang thai 8 tuần tuổi thì công ty bạn không được tiếp tục  tiến hành xử lý kỷ luật.

 

Thứ hai, về việc xin nghỉ phép của người lao động

 

Theo quy định tại điều 111 bộ luật lao động về nghỉ hàng năm đối với người lao động:

 

Điều 111. Nghỉ hằng năm

 

1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

 

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

 

b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

 

c) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

 

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.

 

3. Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

 

4. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.

 

Theo quy định tại khoản 2 điều 111 thì người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hàng năm đối với người lao động sau khi tham khảo ý kiến của người lao động hoặc trong trường hợp người lao động muốn thay đổi lịch nghỉ phép năm thì phải được sự đồng ý của bên sử dụng lao động. Do đó, đối với người lao động của công ty bạn nghỉ phép hàng năm khi chưa được sự đồng ý của công ty là sai quy định của pháp luật.

 

Đối với trường hợp người lao động nghỉ do ốm đau thì sau khi điều trị bệnh người đó xuất trình được giấy điều trị của bệnh viện thì có thể được giải quyết nghỉ theo chế độ ốm đau. Còn trong trường hợp người đó không xuất trình được giấy tờ chứng minh về việc bị ốm thì việc người đó tự ý nghỉ việc được coi là trái với quy định của pháp luật, trường hợp người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng thì có thể bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải.

 

Như vậy, đối với trường hợp trên nếu sau khi người lao động quay lại làm việc mà không xuất trình được giấy điều trị bệnh tại cơ sở khám bệnh thì công ty có quyền xử lý kỷ luật với hình thức sa thải theo khoản 3 điều 126 Bộ luật lao động vì lý do nghỉ việc trái quy định của pháp luật. Tuy nhiên, công ty bạn không được phép tự cho người lao động nghỉ việc mà phải tiến hành thủ tục xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Thúy Vân - Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo