LS Hồng Nhung

Xử lý hành vi của anh rể khi lừa dối bố mẹ ký hợp đồng thế chấp.

Tôi có 1 sự việc muốn luật sư tư vấn. Mẹ tôi có chung nhau với anh rể tôi mua 3 lô đất giữa năm 2017 (mỗi người 1 nửa) nhưng do không có đủ tiền mặt nên mẹ tôi có thế chấp ngân hàng mảnh đất đang ở, bố tôi và tôi đều không biết, bà nói thiếu tiền làm ăn, chi trả cho nhân viên nên bố tôi mới ký). Sau khi thế chấp, bà đưa hết tiền cho anh rể tôi mua 3 mảnh đất trên.

Nội dung tư vấn: Tôi có 1 sự việc muốn luật sư tư vấn. Mẹ tôi có chung nhau với anh rể tôi mua 3 lô đất giữa năm 2017 (mỗi người 1 nửa) nhưng do không có đủ tiền mặt nên mẹ tôi có thế chấp ngân hàng mảnh đất đang ở, bố tôi và tôi đều không biết, bà nói thiếu tiền làm ăn, chi trả cho nhân viên nên bố tôi mới ký). Sau khi thế chấp, bà đưa hết tiền cho anh rể tôi mua 3 mảnh đất trên. Nhưng anh rể tôi nói chưa làm thủ tục sang tên sổ đỏ, đợi bao giờ bán thì làm luôn cho đỡ mất phí. Năm 2019 tôi mới biết sự việc, theo tôi được biết, giấy tờ mua bán chỉ có hiệu lực trong vòng 1 tháng, tôi liền nghi ngờ và có điều tra qua thì biết 3 mảnh đó đã sang tên vợ chồng anh rể tôi, trong khi vẫn nói với mẹ tôi là chưa sang tên. Tiếp đó anh rể tôi có nói với bố mẹ tôi rằng nhờ bố mẹ tôi đứng tên thế chấp 3 mảnh đất đó, bố tôi đến bây giờ vẫn chưa biết sự việc, ông chỉ nghĩ đó là mảnh đất của anh rể nên đã ký vào giấy tờ thế chấp 3 mảnh đất đó sau khi anh ta làm thủ tục ủy quyền. Hiện tại mẹ tôi không có khả năng chi trả cho khoản thế chấp miếng đất đang ở nên có nói rằng bán mảnh đất bà chung với anh rể tôi đi, nhưng anh rể tôi nói giờ không có ai mua, thực tế thì 3 quyển sổ đỏ đó đã được ủy quyền cho bố mẹ tôi đứng ra thế chấp. Vậy kính mong luật sư cho tôi biết xem liệu đây có phải hành vi lợi dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản hay không? Hoặc là hành vi vi phạm pháp luật nào không? Và nên giải quyết theo hướng như nào để có thể đòi lại quyền lợi cho bố mẹ tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung 2017, Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định như sau:

 

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

 

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”

 

Như vậy, trong tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, người phạm tội có các hành vi sau:

 

- Người phạm tội có được tài sản một cách hợp pháp thông qua hợp đồng vay, mượn, thuê tài sản hoặc hợp đồng khác;

 

- Sau khi có được tài sản, người phạm tội không thực hiện như cam kết trong hợp đồng, sử dụng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản.

 

Theo đó, đối chiếu với trường hợp của bạn có thể thấy anh rể bạn có hành vi gian dối khi nói với mẹ bạn mảnh đất chưa được sang tên nhưng trên thực tế mảnh đất đó đã được sang tên cho vợ chồng anh rể bạn. Tuy nhiên, chưa có căn cứ để xác định mục đích của anh rể bạn khi đưa ra thông tin gian dối đó nhằm mục đích gì? Có nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản hay không? Do đó, để làm rõ hành vi của anh rể bạn, bạn có thể trình báo đến cơ quan điều tra công an quận/huyện nơi anh rể bạn đang cư trú để điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm.

 

Trong trường hợp hành vi của anh rể bạn không có dấu hiệu tội phạm thì đây được xác định là tranh chấp dân sự giữa các bên. Vì vậy, bạn cần đưa ra căn cứ chứng minh các vấn đề sau đây:

 

Thứ nhất, cần phải chứng minh giao dịch thế chấp quyền sử dụng đất giữa mẹ bạn và ngân hàng vô hiệu do bố bạn bị lừa dối khi ký hợp đồng thế chấp; khi đó, bố bạn có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự đó vô hiệu theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015:

 

“Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

 

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

 

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

 

Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.”

 

Thứ hai, làm rõ quan hệ thế chấp 3 mảnh đất giữa bố bạn - anh rể - ngân hàng. Nếu anh rể bạn đưa ra thông tin gian dối nhằm làm cho bố bạn hiểu sai lệch về tính chất của quan hệ thế chấp thì giao dịch dân sự này cũng có thể bị tuyên vô hiệu theo quy định tại Điều 127 nêu trên.

 

Trong quá trình giải quyết tranh chấp, các bên có thể tự thương lượng, thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169