Luật sư Đào Quang Vinh

Xin tư vấn về luật viên chức

Luật sư tư vấn về trường hợp viên chức không thực hiện công việc được giao nhưng người có thẩm quyền chỉ xử lý là không được thưởng hàng tháng nhưng vẫn hưởng lương đầy đủ. Việc giải quyết như vậy có đúng với quy định của pháp luật không? Cụ thể như sau:

 

Kính thưa các luật sư! Tôi công tác tại 1 khoa trong 1 bệnh viện công lập. Từ tháng 1/2017, bệnh viện có quyết định điều chuyển 1 viên chức từ khoa khác đến làm việc tại khoa tôi với lý do viên chức đó chưa có chứng chỉ hành nghề (Theo luật khám chữa bệnh quy định: người hành nghề phải có chứng chỉ hành nghề (CCHN); khoa tôi thì không trực tiếp KCB nên không cần CCHN). Viên chức đó vẫn chuyển đến khoa (có mặt) nhưng không thực hiện nhiệm vụ khoa giao cho với lý do không đồng ý với QĐ điều chuyển (do không đúng với vị trí việc làm, QĐ khi tuyển dụng và kiến thức được đào tạo). Từ tháng 1 đến nay (tháng 8), viên chức đó vẫn không chấp hành nhiệm vụ của khoa. Hàng tháng (từ tháng 1), khoa tôi đều có báo cáo việc không chấp hành nhiệm vụ của viên chức với Ban giám đốc, phòng Tổ chức tuy nhiên bệnh viện chỉ xử lý không cho hưởng tiền thưởng hàng tháng (ABC), vẫn hưởng lương và vẫn bố trí ở khoa mà không chuyển vị trí khác.Sự việc đã diễn ra kéo dài mà chưa giải quyết dứt điểm được. Kính mong các luật sư tư vấn giúp, với trách nhiệm của khoa thì khoa tôi phải thực hiện những bước gì tiếp theo để có thể giải quyết dứt điểm được việc này. Tôi xin trân trọng cảm ơn và kính mong hồi âm sớm!-

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

 

Theo Điều 7 Thông tư số 07/2014/TT-BYT ngày 25/02/2014 của Bộ Y tế Quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế quy định như sau:

 

“Điều 7. Ứng xử của lãnh đạo, quản lý cơ sở y tế

 

1. Những việc phải làm:

 

a) Phân công công việc cho từng viên chức trong đơn vị công khai, hợp lý, phù hợp với nhiệm vụ và năng lực chuyên môn của từng công chức, viên chức theo quy định của pháp luật;”

 

Theo đó, ta phải xem xét việc cấp trên giao nhiệm vụ, điều chuyển công tác viên chức kia có hợp lí hay không? Do vậy, chúng tôi chia 2 trường hợp sau:

 

Trường hợp 1: Nếu việc điều chuyển công tác này là không hợp lí thì nên kiến nghị lên trên để được xử lí kịp thời. Còn nếu bên giám đốc bệnh viện vẫn không chấp nhận kiến nghị thì có thể khiếu nại lên các cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết.

 

Trường hợp 2: Nêu việc điều chuyển công tác này là hợp lí

 

Theo Điều 3 Thông tư số 07/2014/TT-BYT ngày 25/02/2014 của Bộ Y tế Quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế quy định như sau:

 

“Điều 3. Ứng xử của công chức, viên chức y tế khi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao

 

2. Những việc không được làm:

 

a) Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao;

 

b) Lạm dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và danh tiếng của cơ quan, đơn vị để giải quyết công việc cá nhân; tự đề cao vai trò của bản thân để vụ lợi;

 

c) Phân biệt đối xử về dân tộc, nam nữ, các thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.”

 

Theo đó, trong trường hợp này viên chức trên đã trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc của mình, vi phạm về ứng xử của viên chức y tế khi đang thi hành công vị, nhiệm vụ. Viên chức này vi phạm luật viên chức theo quy định tại Điều 17 Luật viên chức 2010:

 

Điều 17. Nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp

 

1. Thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao bảo đảm yêu cầu về thời gian và chất lượng.

...

3. Chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền.

...

5. Khi phục vụ nhân dân, viên chức phải tuân thủ các quy định sau:

 

a) Có thái độ lịch sự, tôn trọng nhân dân;

...

d) Chấp hành các quy định về đạo đức nghề nghiệp.

 

6. Chịu trách nhiệm về việc thực hiện hoạt động nghề nghiệp.

..."

Vì đã vi phạm Luật viên chức cho nên bạn có thể yêu cầu bên ban giám đốc xử lí viên chức theo quy định tại Điều 52 Luật viêc chức 2010:

 

Điều 52. Các hình thức kỷ luật đối với viên chức

 

1. Viên chức vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau:

 

a) Khiển trách;

 

b) Cảnh cáo;

 

c) Cách chức;

 

d) Buộc thôi việc.

 

2. Viên chức bị kỷ luật bằng một trong các hình thức quy định tại khoản 1 Điều này còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.

 

3. Hình thức kỷ luật cách chức chỉ áp dụng đối với viên chức quản lý.

 

4. Quyết định kỷ luật được lưu vào hồ sơ viên chức. 

 

5. Chính phủ quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức.”

 

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm tại Nghị định số 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức để hiểu rõ thêm về vấn đề.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Lê Ngọc Linh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn