Nguyễn Thị Thùy Dương

Xét xử lưu động là gì, khi nào xét xử lưu động?

Xét xử là hoạt động đặc trưng của Tòa án để giải quyết vụ án hình sự, dân sự, hành chính, … Việc xét xử có thể được tổ chức tại trụ sở của Tòa án hoặc có thể được xét xử lưu động.

1. Xét xử lưu động là gì?

Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định hướng dẫn chi tiết về khái niệm, điều kiện… xét xử lưu động mà chỉ quy định về hai hình thức xét xử công khai và xét xử kín.

Tuy nhiên, xét theo thực tế xét xử tại Tòa án có thể đưa xét xử lưu động vào một dạng của xét xử công khai. Theo đó, việc xét xử lưu động là xét xử một cách công khai vụ án ngoài trụ sở của Tòa án, có thể là ở nhưng nơi rộng lớn như hội trường, sân vận động, chợ,… để mọi người dân cùng theo dõi. Việc xét xử lưu động về cơ bản vẫn thực hiện tương tự như những vụ án xét xử tại trụ sở của Tòa án.

Việc xét xử lưu động nhằm mục đích răn đe, giáo dục, tuyên truyền pháp luật đến người dân và thường được áp dụng đối với các vụ án hình sự như các vụ án liên quan đến ma túy, giết người, trộm cắp, gây rối trật tự công cộng…

2. Khi nào xét xử lưu động?

Tại Điều 255 VBHN Bộ luật Tố tụng hình sự 2021 quy định về các nội dung cơ bản của Quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án. Trong đó bao gồm:

“a) Ngày, tháng, năm ra quyết định; tên Tòa án ra quyết định; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa;

b) Xét xử công khai hay xét xử kín […]”

Ngoài ra, tại Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 có quy định như sau: “1. Tòa án nhân dân các cấp thông qua công tác xét xử tại trụ sở, lựa chọn các vụ án thích hợp có tính giáo dục cao để tổ chức xét xử lưu động nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật cho người tham dự phiên tòa và nhân dân.”

Như vậy, theo quy định, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền quyết định hình thức xét xử và địa điểm xét xử vụ án hình sự. Do đó, việc có xét xử lưu động vụ án hình sự hay không? hay Khi nào xét xử lưu động? sẽ do Tòa án quyết định nếu thấy rằng cần thiết phải xét xử lưu động. Tuy nhiên, việc quyết định hình thức xét xử vụ án hình sự cần đảm bảo nguyên tắc được quy định tại Điều 25 VBHN Bộ luật Tố tụng hình sự 2021 như sau:

“Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.”

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169