Đinh Ngọc Huyền

Xem bói sự việc sắp sảy ra có vi phạm pháp luật?

Vào những ngày đầu năm mới, người Việt thường có thói quen đi xem bói, xem quẻ đầu năm để xem trước "vận mệnh" của mình từ đó hóa giải những “vận hạn, xui xẻo". Tuy nhiên xét về mặt pháp luật, xem bói sự việc sắp sảy ra có vi phạm không? Nếu quý khách hàng có thắc mắc và muốn tìm hiểu về vấn đề này, bạn có thể tham khảo bài viết mà Luật Minh Gia phân tích dưới đây.

1. Xem bói là gì ?

Xem bói theo cách hiểu dân gian là một hình thức dự đoán về tương lai, dự đoán về số mệnh của mình, mọi sự trên đời chúng ta có thể gặp phải. Và những người xem bói được họ là những người có số ăn lộc của Thánh thần hoặc một thế lực tâm linh nào đó.

Người hành nghề xem bói có khả năng nhìn bàn tay, tướng mặt, ngày sinh… để đọc được số mệnh của con người. Họ sẽ dựa vào đó để thấy được quá khứ, tương lai của một người.

2. Xem bói có vi phạm pháp luật không?

Đối với việc xem bói toán ở các địa phương vẫn có nhiều người đang hiện hoạt động này nhằm phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, việc xem bói của họ không nhằm mục đích trục lợi, không gây hậu quả xấu và không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự thì sẽ không bị xử lý.

Tuy nhiên, hiện nay có nhiều biến tướng của việc xem bói, nhiều cá nhân lợi dụng các dịp lễ, tết hoặc những ngày quan trọng trong năm để “nâng giá” dịch vụ xem bói, lợi dụng lòng tin vào tâm linh của người khác để trục lợi, ví dụ như: tuyên bố người này có vận hạn vào đầu năm, muốn “giải hạn” phải chuẩn bị lễ, vật...

Nếu bị cơ quan chức năng chứng minh được là lợi dụng việc bói toán để trục lợi bất chính, thực hiện hành vi trái pháp luật, gây ảnh hưởng hoặc xâm phạm đến tài sản, uy tín, sức khỏe hoặc tính mạng của người khác thì đã vi phạm pháp luật. Tùy mức độ, tính chất và hậu quả của hành vi sẽ bị xử lý bởi các chế tài khác nhau.

Xử phạt hành chính:

- Đối với người thực hiện hoạt động xem bói để trục lợi:

Trước đây, theo quy định tại khoản 2 điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP năm 2013, hành vi lợi dụng hoạt động xem bói để trục lợi có thể bị phạt hành chính như sau:

 Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi;

b) Treo cờ Tổ quốc ở khu vực lễ hội không cao hơn, không trang trọng hơn các cờ hội.

Tuy nhiên Nghị định 158/2013/NĐ-CP năm 2013 nêu trên đã hết hiệu lực vào ngày 01/06/2021. Hiện nay, theo quy định tại khoản 7 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP năm 2021 có quy định về mức xử phạt hành chính đối với hành vi lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi như sau:

7. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tổ chức lễ hội theo quy định phải đăng ký mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Tổ chức lễ hội truyền thống không đúng với bản chất, ý nghĩa lịch sử, văn hóa;

c) Thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam;

d) Không tạm dừng tổ chức lễ hội theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.

 – Đối với người đi xem bói:

Cá nhân đi xem bói có thể bị Xử phạt tiền hoặc phạt cảnh cáo theo quy định tại Khoản 4 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP:

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi;

b) Tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội.

Truy cứu trách nhiệm hình sự:

Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, người có hành vi lợi dụng hoạt động mê tín dị đoan để trục lợi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành nghề mê tín dị đoan, quy định tại Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015:

1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

a) Làm chết người;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169