Nông Bá Khu

Xác định hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tư vấn về trường hợp mua bán cổ phần sau đó có hành vi gian dối để chuyển lại cổ phần cho người khác thì cấu thành tội danh gì?

Nội dung yêu cầu tư vấn:  Chào luật sư Minh Gia! Em xin thắc mắc một vấn đề như sau: Em và A làm cùng một Công ty Cổ phần, A làm thủ kho còn em làm kế toán; A có sở hữu 200 cổ phần trong công ty, nếu bán theo giá lúc đó là 22.000.000 đồng. Tháng 4/2014, A cần tiền gấp và đề nghị em cầm sổ Cổ phần cho A với số tiền 20.000.000 đồng, cổ tức trong thời gian đến em nhận cho đến khi A có tiền chuộc lạ. Em đã đồng ý và ngày 08/4/2014 hai bên đã giao sổ và tiền cho nhau. Khi đó em có viết một mảnh giấy nội dung như trên và 2 bên ký vào. Đến tháng 6/2014, A làm mất hàng trong kho trị giá khoảng 10.000.000 đồng. Không có tiền trả, cùng đường nên A đến Công ty báo là mất sổ Cổ phần vì lụt trôi, đề nghị Công ty cấp sổ mới rồi bán lại cho người khác cũng làm ở Công ty với số tiền 22.000.000 đồng. Trả tiền vào Công ty xong A xin nghỉ việc. Từ đó đến nay em đã nhiều lần gọi điện, nhắn tin đòi nhưng A đều tỏ ý không muốn trả. Vậy xin hỏi Luật sư đây có phải lừa đảo chiếm đoạt tài sản không, nếu đúng thì em phải làm gì để đòi lại số tiền trên. Em xin cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia chúng tôi, chúng tôi xin giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Điều 139 Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

…”

Trong trường hợp của bạn, thì hành vi của A không đủ yếu tố cấu thành tội này. Bởi lẽ: Để cấu thành tội lừa đảo, người thực hiện phải dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao gìơ cũng phải có trước khi có việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản.

Mục đích và hành vi chiếm đoạt này của A xảy ra sau khi có việc giao số tiền của bạn cho A, Sổ cổ phần A giao cho bạn cầm giữ cũng không phải là sổ giả. Như vậy, trường hợp này, A không đủ yếu tố cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo như thông tin bạn cung cấp, thì A có đủ yếu tố cấu thành “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Điều 140 Bộ luật Hình sự quy định về tội này như sau:

“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

…”

Theo quy định trên thì hành vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó, hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Theo thông tin bạn cung cấp thì anh A đã có cầm cố cổ phần cho bạn, sau đó dùng thủ đoạn gian dối để hợp pháp hóa việc chuyển nhượng cổ phần cho người khác nhằm trốn tránh trách nhiệm trả nợ cho bạn, thì đây được coi là hành vi dùng thủ đonạ gian dối để chiếm đoạt tài sản. 

Do đó bạn có thể gửi đơn tố giác tội phạm gửi trực tiếp đến Cơ quan Công an huyện nơi cư trú của người đó để được xem xét và giải quyết. 

Trân trọng!

CV. Hứa Thị Nhàn – CÔNG TY LUẬT MINH GIA

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169