Khởi kiện vụ án lao động cần điều kiện gì?
Mục lục bài viết
1. Điều kiện khởi kiện vụ án lao động
Thứ nhất, chủ thể khởi kiện:
Người khởi kiện phải có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp lao động cá nhân và đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.
Thứ hai, thời hiệu khởi kiện:
Căn cứ khoản 3 Điều 190 Bộ luật lao động 2019 quy định thời hiệu yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Như vậy, điều kiện để tòa án thụ lý vụ án là thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp vẫn còn.
Thứ ba, thủ tục trước khi khởi kiện:
Theo Điều 187 Bộ luật lao động 2019 hòa giải viên lao động, hội đồng trọng tài lao động, tòa án nhân dân là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.
Điều 188 Bộ luật lao động 2019 quy định tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu hội đồng trọng tài lao động hoặc tòa án giải quyết trừ các tranh chấp lao động sau không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải: Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động; Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động; Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
Như vậy, để khởi kiện vụ án lao động giải quyết tranh chấp cá nhân, các bên phải quyết lao động thông qua hòa giải viên, trừ một số trường hợp nêu trên không cần phải thông qua thủ tục hòa giải.
2. Nội dung yêu cầu tư vấn:
Em là nhân viên tiếp thị tư vấn sản phẩm tại công ty A. Tháng 10/201x em không có tiền lương doanh số em hỏi tại sao không có và tháng sau có được bù không. Đến khi nhận lương tháng 11/201x cũng không được bù em có hỏi tại sao thì phía công ty không trả lời mà người này bảo hỏi người kia. Ngày 11/01/201x em nhận doanh số tháng 12/201x cao gấp 3,0866 lần nhân viên khác. Ngày 13/01/20xx em thông báo xin nghỉ việc, phía công ty đã đồng ý. Em xin phép làm đến cuối tuần rồi em nghỉ việc và có hỏi: "Bây giờ viết đơn hay cuối tuần viết đơn ạ", phía công ty trả lời: "Bây giờ viết cũng được, cuối tuần viết cũng được" (lúc đó phía công ty em cũng không cung cấp cho em mẫu đơn xin nghỉ việc theo quy định). Đến ngày 17/01/20xx em viết đơn xin nghỉ việc gửi gmail và phía công ty có gửi lại gmail bảo em đi làm và em trả lời lại là "Doanh số áp cao quá em không bao giờ có thể đạt nổi nên em xin nghỉ thôi". Sau đó phía công ty mới gửi cho em mẫu đơn xin nghỉ việc theo quy định và em đã viết lại gửi ngay trên gmail đó. Nhưng đến khi tính lương lại trừ lương của em (trừ hơn 50%) lỗi vi phạm không báo trước. Em hỏi mãi thì phía công ty trả lời lại là "em tự ý nghỉ việc, công ty không liên lạc được với em khi em nghỉ việc". Em có đầy đủ bằng chứng chứng minh em đã xin nghỉ việc phía công ty đã đồng ý và phía công ty có liên lạc được với em khi em viết đơn. Theo quy định của pháp luật là em sẽ được nhận lại sổ bảo hiểm muộn nhất là sau 30 ngày nhưng đến hôm nay 21/03/20xx em vẫn chưa nhận được sổ bảo hiểm. Như vậy là có vi phạm Luật Lao động không? Em muốn tố cáo công ty trả thiếu lương và không trả sổ bảo hiểm cho người lao động thì cần những thủ tục gì?
Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với vướng mắc của bạn Luật Minh Gia tư vấn như sau:
Thứ nhất, về hành vi vi phạm của công ty
- Vi phạm về xác nhận thời gian đóng bảo hiểm cho người lao động
Theo quy định tại Điều 48 Bộ luật lao động 2019 quy định về trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:“1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
…
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả”.
Đồng thời căn cứ khoản 5 Điều 21 Luật bảo hiểm xã hội 2014 có quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:“Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, căn cứ vào quy định khi bạn và công ty chấm dứt hợp đồng lao động, công ty có trách nhiệm xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho bạn, cũng như phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho bạn. Việc công ty không xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội cũng như làm việc với cơ quan bảo hiểm xã hội để trả sổ bảo hiểm cho bạn là hành vi vi phạm pháp luật.
- Vi phạm quy định của pháp luật về tiền lương
Việc công ty không trả đủ lương và trừ 50% tiền lương của bạn với lý do lỗi vi phạm không báo trước, đây là hành vi phạm quy định pháp luật. Bởi theo quy định tại Điều 90 Bộ luật lao động 2019 công ty phải trả lương theo nguyên tắc đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Ngoài ra, Bộ luật lao động hiện hành không có quy định trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật thì công ty được quyền tự ý khấu trừ lương.
Thứ hai, cách xử lý khi công ty trả không đủ lương và không trả sổ bảo hiểm cho người lao động
- Đầu tiên, bạn có thể gửi đơn khiếu nại đến lãnh đạo công ty theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-C
- Nếu bạn không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định tại Điều 20 Nghị định 24/2018/NĐ-C mà khiếu nại không được giải quyết thì bạn có quyền khởi kiện tại tòa án hoặc thực hiện khiếu nại lần hai tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại về lao động.
- Nếu bạn không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai theo quy định tại Điều 31 Nghị định 24/2018/NĐ-CP hoặc quá thời hạn quy định tại Điều 28 Nghị định 24/2018/NĐ-CP mà khiếu nại không được giải quyết thì bạn có quyền khởi kiện vụ án tại tòa án.
Trân trọng!
Phòng tư vấn – Công ty Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất