Xác định công việc nặng nhọc, độc hại thế nào?

Nhằm tạo điều kiện cho người lao động có thể gắn bó với công việc của mình mà đặc biệt là đối với những người lao động làm việc trong điều kiện môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì pháp luật lao động đã có những quy định cụ thể về danh mục những ngành nghề được xác định là độc hại, nguy hiểm cũng như những chế độ mà người lao động đang làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm được hưởng.

Câu hỏi:

Kính chào luật sư! Tôi muốn được luật sư tư vấn một việc như sau; Công việc của tôi là làm in lưới đã lâu năm, thường tiếp xúc với nhiều hóa chất in độc hại. Vậy công việc in lưới này có thuộc danh mục nghề độc hại không? Được quy định ở đâu? Tôi có tra danh mục ngành nghề độc hại nhưng không tìm thấy quy định cho nghề in lưới, nên ở công ty tôi cũng ko có chế độ độc hại. Tôi mong nhận được tư vấn từ luật sư, tôi xin chân thành cảm ơn! 

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Luật Minh Gia, sau khi nghiên cứu trường hợp của bạn chúng tôi đưa ra nội dung tư vấn như sau: 

Thứ nhất, về xác định công việc thuộc danh mục công việc độc hại, nguy hiểm

Căn cứ theo quy định tại danh mục nghề, công việc nặng nhọc, nguy hiểm, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ban hành kèm theo Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tại mục XXVI -  hàng không thì in lưới thuộc nhóm công việc nặng nhọc, tiếp xúc chất độc, bụi, nóng ồn. Vì vậy, công việc in lưới thuộc danh mục công việc nặng nhọc, nguy hiểm nên việc công ty không giải quyết những chế độ liên quan công việc nặng nhọc là không có căn cứ pháp luật. Bạn có thể kiến nghị trực tiếp lên công ty để yêu cầu giải quyết chế độ về làm công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm. Nếu bên công ty vẫn không giải quyết chế độ cho bạn thì bạn có thể khiếu nại lên Phòng lao động Thương binh và xã hội nơi công ty có trụ sở để đảm bảo quyền và lợi ích cho mình.

Thứ hai, chế độ mà người lao động được hưởng khi làm công việc độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm

Về chế độ nghỉ hàng năm theo quy định tại Điều 113 Bộ Luật Lao động 2019 thì người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm khi làm việc đủ 12 tháng là 14 ngày làm việc.

Về chế độ phụ cấp bằng hiện vật cho người lao động theo quy định tại Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH, theo đó tùy thuộc vào điều kiện lao động loại nào mà mức bồi dưỡng bằng hiện vật được xác định theo các mức sau: Mức 1: 10.000 đồng; Mức 2: 15.000 đồng; Mức 3: 20.000 đồng; Mức 4: 25.000 đồng. Trong trường hợp này nghề in lưới thuộc danh mục nghề nghiệp trong điều kiện lao động loại IV thì mức hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật là mức 1: 10.000 đồng (khi có ít nhất 01 yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép, trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm.) hoặc mức bồi dưỡng bằng hiện vật là mức 2: 15.000 đồng ( khi có ít nhất 02 yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép, có ít nhất 01 yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép đồng thời trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm).

Về chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưởng chế độ ốm đau như sau:“ 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm (lao động làm việc trong điều kiện bình thường là 30 ngày); 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 - dưới 30 năm (lao động làm việc trong điều kiện bình thường là 40 ngày); 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên (lao động làm việc trong điều kiện bình thường là 60 ngày)”.

Về độ tuổi nghỉ hưu: Người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định về độ tuổi nghỉ hưu tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật lao động 2019 tại thời điểm nghỉ hưu.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169