Viên chức thôi việc được hưởng chế độ gì? Trong thời gian đi học viên chức có được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề không?
Việc hưởng các chế độ được thực hiện theo quy định pháp luật, tuy nhiên với mỗi viên chức quá trình người lao động làm việc khác nhau nên việc hưởng các chế độ sẽ khác nhau. Đặc biệt, đối với những viên chức có nhu cầu nghỉ theo nguyện vọng thì họ sẽ được hưởng các chế độ nhất định, tuy nhiên hiện nay nhiều trường hợp viên chức nghỉ việc nhưng không được giải quyết các chế độ thôi việc hoặc giải quyết không đúng theo quy định pháp luật, điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của viên chức. Do đó, nếu bạn gặp vấn đề này và chưa nắm rõ các quy định pháp luật thì bạn có thể liên hệ Luật sư Công ty Luật Minh Gia để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.
1. Chế độ thôi việc và bồi thường chi phí đào tạo khi nghỉ việc?
Hỏi: Xin chào! Tôi công tác tại trường Trung cấp nghề vào tháng 4 năm 2007 đến nay, tôi hưởng lương trung cấp. Năm 2009, trường cử tôi đi học Đại học, thời điểm đó tôi học theo sự phân công của trường, không có làm đơn xin học và cam kết phục vụ lâu dài. Năm 2015 tôi được cấp bằng Đại học, nhưng do tôi là viên chức, Sở nội vụ không có lớp thi nâng ngạch viên chức để tôi hưởng mức lương đại học. Nay tôi muốn xin nghỉ việc, như vậy tôi có bị bồi hoàn kinh phí đi học không, mức bồi thường như thế nào? Chế độ tôi được hưởng gồm các khoản nào? Tôi cần làm thủ tục gì để xin nghỉ để có lợi theo đúng pháp lý, cũng như luật quy định. Rất cảm ơn được tư vấn, hồi đáp!
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung yêu cầu tư vấn của bạn, Công ty Luật Minh Gia trả lời tư vấn như sau:
Thứ nhất, chấm dứt hợp đồng làm việc và các chế độ được hưởng
Tại khoản 4 Điều 29 Luật viên chức 2010 quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức như sau:
"4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.".
Theo quy định nêu trên thì đối với trường hợp của bạn, bạn đang làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, do đó nếu bạn muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thì bạn có nghĩa vụ báo cho đơn vị biết trước ít nhất 45 ngày.
Khi bạn nghỉ việc, bạn sẽ được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc quy định tại Điều 58 Nghị định 115/2020/NĐ-CP như sau:
Điều 58. Trợ cấp thôi việc đối với viên chức thôi việc
1. Đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 31 tháng 12 năm 2008 trở về trước được tính như sau:
a) Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ quản lý, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);
b) Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 tháng lương hiện hưởng;
c) Trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2003, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008;
d) Trường hợp viên chức được tuyển dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2003 trở về sau, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc theo hợp đồng làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2008.
2. Đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 đến nay được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp.
Như vậy, đối chiếu quy định nêu trên, với trường hợp của bạn thì khi bạn cơ quan của bạn sẽ có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho bạn với những năm bạn làm việc trước ngày 01/01/2009, mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).
Ngoài ra, sau khi nghỉ việc nếu bạn có nhu cầu hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp thì bạn cần nộp hồ sơ đến Trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày bạn chấm dứt hợp đồng làm việc để hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Thứ hai, về việc bồi thường chi phí đào tạo
Tại Điều 7 Nghị định 101/2017/NĐ-CP quy định về đền bù chi phí đào tạo như sau:
Điều 7. Đền bù chi phí đào tạo
Cán bộ, công chức, viên chức, được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo.
2. Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp.
3. Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại Điều 5 hoặc Điều 6 Nghị định này.
Theo thông tin bạn cung cấp, trường cử bạn đi học Đại học, tuy nhiên không cam kết phục vụ lâu dài, đồng thời bạn chấm dứt hợp đồng làm việc đúng quy định pháp luật và không thuộc các trường hợp theo quy định tại Điều 7 nêu trên thì khi nghỉ việc bạn không phải bồi thường chi phí đào tạo.
2. Phụ cấp ưu đãi nghề khi đi học liên thông
Hỏi: Thưa luật sư cho em xin hỏi: Hiện đang làm tại một bệnh viện và hưởng lương theo chế độ biên chế nhà nước. Và hiện nay thì bạn em đang theo học lớp liên thông lên đại học. Thời gian khóa học là 4 năm. Nhưng bạn em chỉ học 03 tháng học xong về cơ quan làm 3 tháng. Sau mới học 3 tháng tiếp nữa. Nhưng trong thời gian bạn em đi học thi bị cắt hết các mức lương theo ưu đãi nghề. Chỉ còn được hưởng lương chính. Cho em hỏi trường họp của bạn em như vậy có đúng không. Em xin cảm ơn!
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung anh yêu cầu tư vấn, Công ty Luật Minh Gia trả lời tư vấn như sau:
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC về thời gian không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề y tế:
"1. Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP;
2. Thời gian đi học tập ở trong nước liên tục trên 3 tháng, không trực tiếp làm chuyên môn y tế theo nhiệm vụ được phân công đối với công chức, viên chức;
3. Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên;
4. Thời gian nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
5. Thời gian tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác hoặc đình chỉ làm chuyên môn y tế từ 1 tháng trở lên.
6. Thời gian được cơ quan có thẩm quyền điều động đi công tác, làm việc không trực tiếp làm chuyên môn y tế liên tục từ 1 tháng trở lên".
Như vậy, thời gian học tập ở trong nước liên tục trên 3 tháng, không trực tiếp làm chuyên môn y tế theo nhiệm vụ được phân công thì sẽ không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi. Đối với trường hợp của bạn, thời gian đi học mỗi đợt là 3 tháng, sau đó anh tiếp tục trở lại làm chuyên môn y tế theo nhiệm vụ được phân công thì vẫn được tính hưởng phụ cấp ưu đãi theo quy định.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất