Nguyễn Ngọc Ánh

Vi phạm luật giao thông gây hậu quả nghiêm trọng bị xử lý?

Giao thông an toàn, văn minh, thân thiện luôn là mục tiêu mà ngành giao thông hướng tới. Tuy nhiên, hiện nay các hành vi vi phạm luật giao thông ngày càng trở nên phổ biến, gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc cho đời sống xã hội. Vậy vi phạm luật giao thông là gì? Chủ thể vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì xử lý như thế nào? Trong bài viết dưới đây, Luật Minh Gia sẽ cung cấp những kiến thức liên quan tới vấn đề này. Mời bạn đọc tham khảo.

1. Luật sư tư vấn về vi phạm luật giao thông

Vi phạm luật giao thông được hiểu là hành vi trái pháp luật, có lỗi, do chủ thể có năng lực hành vi thực hiện xâm hại tới trật tự an toàn giao thông và các nội dung khác thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật giao thông. 

Hiện nay, các quy định pháp luật về giao thông được thể hiện chủ yếu trong Luật giao thông đường bộ 2008 và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Do đó, hành vi xâm phạm đến các nội dung được quy định trong các văn bản pháp luật này được xem là vi phạm luật giao thông. 

Tùy thuộc vào mức độ, tính chất của hành vi vi phạm luật giao thông cũng như hậu quả thiệt hại, gây nguy hiểm tới trật tự an toàn giao thông và tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác mà chủ thể thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại dân sự hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

2. Vi phạm luật giao thông gây hậu quả nghiêm trọng bị xử lý

Câu hỏi tư vấn: Nhờ luật sư tư vấn giúp về hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ và gây hậu quả nghiêm trọng đến chết người như sau: Em trai em không có bằng lái, lái xe gây tai nạn chết người (Người nhà em đã cố gắng chạy chữa nhưng không qua khỏi). Gia đình em lo chi phí mai táng và đưa gia đình một khoảng (tổng cộng 60 triệu và có thể đưa thêm).

Nếu gia đình bị hại bãi nại thì em trai em sẽ bị xử lý như thế nào? có được giảm nhẹ tội hay không? Và mức phạt mà em trai em phải chịu là bao nhiêu? Mong luật sư tư vấn giúp em. Chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới công ty Luật Minh Gia! Sau đây, chúng tôi xin tư vấn yêu cầu của bạn như sau:

Tư vấn trường hợp vi phạm quy định pháp luật giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng

 

Thứ nhất, về trách nhiệm hình sự do vi phạm quy định giao thông đường bộ

Vì bạn không cung cấp thông tin về độ tuổi của em bạn nên chúng tôi sẽ phân tích vụ việc theo những trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Dưới 14 tuổi

Người dưới 14 tuổi không đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự (sửa đổi, bổ sung 2017) và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội. 

Trường hợp 2: Từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi

Tại Khoản 2 Điều 12 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:

“2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.

Trong trường hợp của em bạn, em bạn không có bằng lái và lái xe gây tai nạn chết người. Do đó, hành vi này được xác định là Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, dựa vào Khoản 2 Điều 12 về tuổi chịu trách nhiệm hình sự nêu trên thì người từ đủ 14 tuổi – dưới 16 tuổi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội vi phạm tại Điều 260 Bộ luật hình sự.

Như vậy, em bạn chưa đủ16 tuổi thì chỉ phát sinh trách nhiệm dân sự (trách nhiệm bồi thường thiệt hại) và trách nhiệm hành chính (xử phạt hành vi vi phạm).

Trường hợp 3: Đủ 16 tuổi trở lên

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:

 “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.”

Căn cứ quy định này, nếu em bạn đủ 16 tuổi trở lên, trong tình trạng nhận thức bình thường và lái xe gây chết người thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, em bạn sẽ bị truy cứu theo Khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự như sau:

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

...

Thứ hai, gia đình người bị hại bãi nại thì xử lý thế nào?

Tại Khoản 1 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2021 về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại như sau:

Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ Luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Chỉ những vụ án về các tội phạm thuộc các trường hợp nêu trên thì chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại còn trong các trường hợp khác khi xác định có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, không phụ thuộc vào việc người bị hại có yêu cầu khởi tố hay không.

Trong trường hợp này, hành vi của em bạn vi phạm Điều 260 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tội này không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại theo khoản 1 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự nêu trên. Do đó, kể cả gia đình bị hại có yêu cầu hay rút đơn yêu cầu thì em của bạn vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ ba, về hình phạt áp dụng

Căn cứ những phân tích nêu trên, em bạn phạm tội thuộc hành vi tại điểm a Khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự: “Không có giấy phép lái xe theo quy định.” Theo đó, khung hình phạt em bạn có thể phải chịu là “phạt tù từ 03 năm đến 10 năm”.

Hình phạt cụ thể sẽ do Tòa án phán quyết dựa trên các tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ. Gia đình bồi thường, nhanh chóng khắc phục hậu quả sẽ là tình tiết có lợi cho em của bạn, và gia đình thông báo tình tiết này cho cơ quan tiến hành tố tụng. 

Ngoài ra, nếu đủ điều kiện được hưởng án treo theo quy định tại điều 65 Bộ luật hình sự 2015 thì gia đình cũng có thể đề nghị Tòa án xem xét cho hưởng án treo với trường hợp này

"Điều 65. Án treo

1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

2. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó."

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo