Vi phạm giao thông gây tai nạn chết người bồi thường thế nào
Em tên A. Em có đọc trên mạng thấy có mục liên hệ tư vấn qua mail nên e xin hỏi một vài thắc mắc mong Luật sư tư vấn giúp em ạ.
1/ Vào ngày 14/3/2015 trên đường lưu thông đoạn đang thi công cấm biển báo chạy 5km/h. Trong khi đó xe máy (môtô) và xe buýt trên 50 chỗ ngồi chạy ngược chiều nhau, va chạm làm người điều khiển xe máy chết tại chỗ.
- Theo vạch vôi công an vẽ trên đường sau khi tai nạn xảy ra thì xe buýt chạy 53 km/h và chạy lấn sang phần đường xe máy khoảng 2 tất .
- Khi va chạm thì xe buýt kéo xe máy và tài xế xe máy về hẳn sát bên lề bên phải của làn đường xe buýt cách 20 m nơi xảy ra va chạm. Và tài xế chạy trốn mất khỏi hiện trường.
2/ Sau khi pháp y giám định nạn nhân (người điều khiển xe máy) xác định nguyên nhân dẫn đến tử vong là vở, bể hộp sọ.
3/ Trong lúc mai táng nạn nhân thì bên chủ xe buýt có đến đưa 15 triệu đồng. Được biết tài xế lái xe buýt là do chủ xe buýt thuê bên ngoài và trả lương tháng. Cho đến thời điểm này (cách lúc xảy ra tai nạn 1 tuần) gia đình nạn nhân cũng chưa nhận được lời xin lỗi, thăm hỏi từ gia đình tài xế.
4/ Nạn nhân là nam chưa vợ, hiện đang nuôi dưỡng cha già ngoài tuổi lao động (69 tuổi).
Hỏi:
1/ Bên nào là người chịu trách nhiệm chính trong vụ tai nạn này (chủ xe buýt hay tài xế thuê)
2/ Trách nhiệm bồi thường như thế nào
3/ Bên xe gắn máy có phải đưa đơn vào cơ quan công an để thưa kiện bên xe buýt không, nếu có hồ sơ gồm những gì
4/ Thời gian xét xử vụ tại nạn này tối đa là bao lâu, nếu lâu quá thì bên xe gắn máy có quyền yêu cầu cơ quan chức năng xét xử sớm hơn được không.
Em xin thành thật cảm ơn!
Gây thiệt hại tính mạng do vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
- Thứ nhất, về trách nhiệm của người vi phạm
Theo thông tin bạn cung cấp, bên chủ xe buýt có thuê tài xế lái và đã gây tại nạn dẫn đến hậu quả chết người. Tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:
“Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
…”.
Như vậy, người tài xế lái xe buýt trong trường hợp này đã vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ (đi quá tốc độ cho phép và chạy lấn sang phần làn đườg dành cho xe máy) gây thiệt hại đến tính mạng của người khác. Với hành vi này, tài xế này có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt, Tòa án sẽ căn cứ đến các yếu tố như tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác để có quyết định cho phù hợp.
- Thứ hai, trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Ngoài trách nhiệm hình sự mà tài xế phải gánh chịu, thì chủ xe buýt phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân. Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra:
“Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.”
Theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 thì Chủ xe buýt phải có nghĩa vụ bồi thường các khoản như:
+ Chia phí hợp lý cho việc mai táng;
+ Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng (nạn nhân đang nuôi cha già 69 tuổi);
+ Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại.
Mức bồi thường các bên có thể thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
- Thứ ba, về việc trình báo cơ quan có thẩm quyền
Bộ luật Hình sự quy định: “Công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác.
Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản”.
Như vậy, trong trường hộp này, bên bị hại có quyền làm đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đến Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết.
- Thứ tư, Về thời gian để giải quyết vụ án hình sự
+ Thời gian ra quyết định khởi tố vụ án: Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
+ Thời hạn điều tra vụ án hình sự: không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.
+ Quyết định việc truy tố: Trong thời hạn hai mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong những quyết định sau đây:
1. Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng;
2. Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
3. Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.
+ Chuẩn bị xét xử: Trong thời hạn ba mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, hai tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, ba tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong những quyết định sau đây:
1. Đưa vụ án ra xét xử ;
2. Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
3. Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.
Trên đây là thời gian để cơ quan có thẩm quyền tiến hành việc xét xử vụ án hình sự. Không có quyền yêu cầu cơ quan chức năng xét xử sớm hơn vì pháp luật Tố tụng Hình sự đã quy định cụ thể.
Trân trọng !
Có thể bạn quan tâm:
>> Tư vấn pháp luật hình sự
>> Tư vấn pháp Luật Hình sự qua Email
>> Dịch vụ luật sư tham gia tố tụng vụ án hình sự
>> Luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo trong vụ án hình sự
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất