LS Hồng Nhung

Vay tiền không trả có phải là hành vi lừa đảo không?

Nếu vay tiền từ người khác và không trả lại số tiền đã vay thì có bị coi là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản không? Các bên trong giao dịch vay phải chịu trách nhiệm như thế nào? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

1. Tư vấn về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong những tội phạm xâm phạm về quyền sở hữu được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự qua các thời kỳ. Trong xã hội hiện nay, tội phạm lừa đảo hoạt động ngày càng tinh vi. Tội phạm thường thực hiện những thủ đoạn trên các trang mạng xã hội hoặc qua tin nhắn điện thoại, sau khi có được tài sản thì cắt đứt liên lạc với người bị hại và đa số các trường hợp là người bị hại không biết hoặc biết không rõ ràng về người phạm tội. Mục đích hành vi này là để lợi dụng lòng tin của người bị hại, dùng những hành vi gian dối để người bị hại trao tài sản cho mình và chiếm đoạt tài sản. Hậu quả của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản, cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Hành vi lừa đảo là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Pháp luật hiện hành đã có những chế tài phù hợp đối với tội phạm lừa đảo. 

Nếu bạn đang gặp những vấn đề pháp lý về lừa đảo hay có những vướng mắc cần được tư vấn, hỗ trợ, hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi 1900.6169 để được giải đáp. Luật sư sẽ tư vấn cho bạn những vấn đề liên quan sau:

+ Dấu hiệu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản;

+ Chế tài đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản;

+ Thủ tục pháp lý liên quan.

2. Tư vấn trong trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Câu hỏi: Kính chào các luật sư của Luật Minh Gia, Em xin trình bày trường hợp của em như sau, em có cho một người bạn vay số tiền là hai triệu năm trăm ngàn đồng nhưng bạn ấy không trả và đã chặn Facebook cũng như số điện thoại của em. Số tiền này tuy không được xác nhận bằng biên bản hay giấy nợ nhưng em có những đoạn tin nhắn qua Facebook và điện thoại cùng những tin nhắn thể hiện thái độ lật lọng, phủ nhận việc vay tiền em thì có coi là có bằng chứng về việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không ạ? Và nếu em công khai các tin nhắn này lên mạng xã hội (chỉ công khai tin nhắn, không bình luận hay để lại lời bình gì hết) thì có bị cấu thành tội bôi nhọ danh dự và nhân phẩm của người khác hay không ạ? Em rất mong sớm nhận được tin nhắn phản hồi từ phía văn phòng luật sư, xin chân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Căn cứ thông tin bạn cung cấp, các bên phát sinh giao dịch vay tài sản bằng hành vi (không hợp đồng vay bằng văn bản). Tuy nhiên, hiện hay chưa xác định được rõ bên vay tiền có nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản hay không và mục đích chiếm đoạt tài sản có trước hay có sau khi chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, chúng tôi tư vấn theo hai trường hợp như sau:

- Trường hợp 1: Về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Điều 174 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định về Hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm

…”

Theo quy định trên, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể hiểu là việc dùng thủ đoạn gian dối nhằm lấy niềm tin của chủ sở hữu tài sản để chủ sở hữu giao tài sản cho người phạm tội. Cần lưu ý rằng hành vi lừa đảo của người phạm tội phải có trước hành vi chiếm đoạt và là nguyên nhân trực tiếp khiến người bị hại tin là thật mà giao tài sản cho người phạm tội.

- Trường hợp 2: Về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 

Theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản

…”

Người lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bằng cách vay, mượn, thuê, hợp đồng với chủ tài sản để chủ sở hữu tài sản giao tự nguyện giao tài sản cho họ một cách hợp pháp. Sau khi nhận được tài sản người phạm tội mới thực hiện hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản ấy. Thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản xảy ra sau khi nhận được tài sản. 

Như vậy, đối chiếu với trường hợp của bạn, nếu bạn nhận thấy có dấu hiệu phạm tội theo một trong hai trường hợp nêu trên thì bạn có thể trình báo đến cơ quan điều tra công an quận/huyện nơi bạn cư trú hoặc nơi người thực hiện hành vi vi phạm cư trú.

Ngoài ra, về mặt dân sự, bạn có thể thỏa thuận về việc thanh toán khoản nợ hoặc khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu người đó thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định tại Điều 466 Bộ Luật Dân sự 2015 như sau:

“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

…”

Việc khởi kiện được thực hiện tại Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi người bạn của bạn đang cư trú. Theo đó, những thông tin trao đổi qua lại giữa các bên có thể coi là bằng chứng để giải quyết tranh chấp.

Thứ hai, về hành tội làm nhục người khác.

Theo quy định của Pháp luật Hình sự, tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:

“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên; 

b) Đối với 02 người trở lên; 

...

Theo quy định trên, tội làm nhục người khác được xác định khi có hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nạn nhân. Hành vi này có thể được thể hiện bằng lời nói hoặc hành động. Ngoài ra, người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người bị hại có yêu cầu khởi tố hình sự. Như vậy, việc bạn đăng tải công khai các tin nhắn giữa bạn và người bạn của bạn lên mạng xã hội thì chưa đủ cơ sở để xác định hành vi đó xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác.

Tuy nhiên, bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính nếu bạn có hành vi cung cấp, chia sẻ những thông thông giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống hoặc thông tin liên quan đến đời tư của người khác thì có thể bị xử phạt từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng theo quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP như sau:

“Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

…"

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169