Vũ Thanh Thủy

Vay tiền không trả có bị truy cứu TNHS?

Kính gửi: Luật sư – Công ty Luật Minh Gia, em muốn hỏi trường hợp như sau. Ba, Mẹ em có hỏi tiền dùm cho người chị con ruột của người cậu với số Tiền lớn trong suốt thời gian dài trên 2 năm (tiền này ba e là người đứng ra hỏi dùm của Dì hai), nhưng khoản 4 tháng nay người chị này không chịu chi trả tiền lãi và tiền vốn ba em phải đóng lãi cho dì hai.

 

Chị này lấy cớ là tiền này chị hỏi dùm một người khác nên không chi trả, chị này nói là chừng nào người thiếu tiền chị trả thì chị trả, lúc ba em có gửi đơn cho chính quyền địa phương giải quyết thì chị này có dẫn người thiếu nợ tiền chị lên chỗ tổ hòa giải và nói rằng tiền lấy dùm cho người này. Số tiền chị cho người thanh niên kia mượn là do chị này đưa tiền để sau lấy nền nhà nhưng giao dịch không thành công và chị thu hồi lại được hơn 50% số tiền và người thanh niên kia còn nợ chị ta là 40.000.000đ. Sau đó chị ta mua bán trái cây và cần vốn nên nhờ mẹ tôi hỏi của Dì hai là 100.000.000đ nhưng sau đó Dì hai đòi lại số tiền là 50.000.000đ. Chị này vô nhà nhờ mẹ và ba tôi đứng vay tiền của chính Dì hai để chị này trả lại 50% cho Dì hai. Chị này muốn thu hồi vốn đã đưa để lấy đất nhưng không thành và muốn lấy cớ đó muốn chiếm đoạt tài sản của ba mẹ tôi là 50.000.000đ.. Ba mẹ em chỉ hỏi dùm, cứ nghỉ là cháu ruột trong nhà giúp đỡ làm ăn ai ngờ chị này có ý chiếm đoạt số tiền trên. E hỏi khi đưa lên tòa án người chị này phải chịu những tội danh nào và chi trả ra sau để Ba mẹ em phải trả lại tiền cho Dì hai. Chị này kinh tế giờ rất khá dư sức chi trả nhưng chị này cố ý chiếm đoạt và không chịu trả. Em xin hết, mong tổ tư vấn luật giúp em. Chân thành cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp, bố mẹ bạn có đứng ra hỏi vay tiền của dì Hai cho một người cháu nhưng bạn không có nêu rõ việc vay hộ người này có giấy tờ ghi nhận hay không và thời điểm vay nợ nên trường hợp của bạn chúng tôi áp dụng Bộ luật dân sự 2015 để giải quyết.

 

Thứ nhất, xác định nghĩa vụ trả nợ:

 

Trong trường hợp vì lý do khách quan mà người cháu không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì bố mẹ bạn chỉ có thể thỏa thuận gia hạn thời gian trả nợ, trường hợp không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu giải quyết tranh chấp dân sự thông qua khởi kiện ra Tòa án yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi đến hạn mà các bên đã giao kết.

 

Căn cứ theo điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

 

Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

 

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

 

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

.....

Do vậy, đối chiếu với quy định trên, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận khác về thời hạn thanh toán thì người cháu phải thực hiện đúng nghĩa vụ đã giao kết.

 

Thứ hai,  truy cứu TNHS về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:

 

Tại Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 quy định:

 

"Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây  chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

  a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

  b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản."

 

Về hành vi khách quan của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là có dấu hiệu dùng thủ đoạn gian dối với mục đích chiếm đoạt tài sản đó hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó.

Do đó, nếu người cháu nhận được tài sản thông qua hợp đồng nhưng lại đưa ra những thông tin không chính xác nhằm mục đích chiểm không phải trả lại tài sản thì khi đủ căn cứ bạn có thể làm đơn tố cáo đến cơ quan công an yêu cầu xem xét hành vi trên.

 

Như vậy, tùy thuộc vào những bằng chứng, tình tiết mà bạn cung cấp cho phía cơ quan công an để đánh giá trường hợp này thuộc vụ án dân sự hay hình sự.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

Cv tư vấn: Đào Trà - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo