Vẫn tiếp tục đi làm thì có ngừng đóng bảo hiểm xã hội được không?
Nội dung tư vấn: Chào luật sư, hiện tại tôi 58 tuổi đã đóng bảo hiểm 37 năm vì cơ quan chậm đóng bảo hiểm nay tôi xin dừng đóng bảo hiểm vẫn đi làm được không? tôi muốn hỏi thêm về điều kiện hưởng chế độ hưu trí của tôi thế nào? mong luật sư tư vấn giúp. Xin cảm ơn.
Trả lời: Cảm ơn bác đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bác, chúng tôi tư vấn như sau:
Tại Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
c) Cán bộ, công chức, viên chức;
d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
…”.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên bác thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đây là loại bảo hiểm mà người lao động và người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ phải tham gia. Do vậy, nếu bác vẫn tiếp tục làm việc thì vẫn phải tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội dù bác đã đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu. Nếu bác không muốn tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì bác có thể xin nghỉ việc và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội chờ đến tuổi nghỉ hưu để hưởng lương hưu.
Về điều kiện nghỉ hưu tại Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội 2014 có quy định bao gồm:
- Đã đóng bảo hiểm được từ đủ 20 năm trở lên;
- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Tuổi nghỉ hưu tại Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP có quy định về tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường theo đó vào năm 2024 lao động nam được nghỉ hưu khi đủ 61 tuổi.
Tuổi nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động được quy định tại Điều 5 Nghị định 135/2020/NĐ-CP theo đó tuổi nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động của lao động nam vào năm 2024 là đủ 56 tuổi.
Đối chiếu với trường hợp của bác, nếu bác muốn nghỉ việc và hưởng chế độ hưu trí thì bác có thể nghỉ hưu theo diện nghỉ hưu trước tuổi, tuy nhiên nghỉ hưu trong trường hợp này sẽ bị giảm tỷ lệ mức hưởng lương hưu.
Trường hợp bác chưa muốn nghỉ hưu hoặc muốn nghỉ hưu đúng tuổi thì bác có thể tiếp tục làm việc có đóng bảo hiểm hoặc xin nghỉ việc và chờ để hưởng lương hưu khi đến tuổi.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất