Vấn đề việc làm cho lao động nữ sau khi nghỉ thai sản.
Mục lục bài viết
1. Nghỉ thai sản
Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.
Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
2. Tư vấn về quyền lợi của lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi
Câu hỏi tư vấn: Em làm việc tại một công ty về may mặc. Sau khi hết thời gian nghỉ thai sản và trở lại làm việc, công việc cũ của em đã do người khác đảm nhận, và công ty bố trí cho em làm công việc khác với mức lương và các chế độ như đối với công việc cũ. Tuy nhiên em không đồng ý với công ty mà vẫn muốn làm công việc cũ. Vậy, em xin hỏi trường hợp của em phải giải quyết như thế nào? Nếu công ty vẫn không thể bố trí cho em trở lại công việc cũ thì em có thể khởi kiện công ty không? và em có được hưởng các chế độ gì không?
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Điều 140 Bộ luật lao động 2019 quy định về bảo đảm việc làm cho người lao động nghỉ thai sản như sau: “Lao động được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian theo quy định tại các khoản 1, 3 và 5 Điều 139 của Bộ luật này mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ thai sản; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.” Như vậy, khi hết thời gian nghỉ sinh, bạn được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc, chỉ khi việc làm cũ không còn thì công ty mới được bố trí việc làm khác cho bạn. Do vậy, việc công ty bố trí công việc khác cho bạn là trái với quy định của pháp luật.
Điều 188 Bộ luật lao động 2019 quy định trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động như sau:
“1. Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;…”
Như vậy, bạn có thể yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết tranh chấp. Trường hợp không giải quyết được tranh chấp, bạn có thể làm đơn khởi kiện, yêu cầu tòa án nơi công ty đặt trụ sở giải quyết tranh chấp.
Trân trọng!
Phòng luật sư tư vấn – Công ty Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất